Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

“Dân mạng” không là tất cả

Nguyễn An Sa

(TBKTSG Online) - “Bức ảnh khiến dân mạng nổi giận”, “Dân mạng phát cuồng vì cover X”, “Dân mạng phát điên khi MN bị loại bất công”, “Dân mạng khoe ảnh da cháy nắng”… Đọc những cái tựa như thế trên những tờ báo mạng, bạn sẽ tự hỏi, “dân mạng” ở đây là ai? Đại diện cho ai?

Dĩ nhiên, đó là kiểu đặt tựa câu “view” (lượt truy cập) của những tờ báo mạng lá cải. Nhưng gần đây, lạ lùng thay, nó cũng xuất hiện trên cả những tờ báo lớn, chính thống. Việc mượn hai chữ “dân mạng” để khái quát hóa những phản ứng của một đám đông nào đó trên mạng về các hiện tượng xã hội, văn hóa đã trở nên ngày càng phổ biến.

Nhưng nếu bạn là một người dùng mạng xã hội, hay chí ít, thường xuyên truy cập, tìm kiếm thông tin, thao tác công việc qua mạng thuần túy, chắc sẽ thấy bất ngờ. Bạn sẽ tự hỏi, những hiện tượng nhố nhăng phù phiếm mà báo chí lá cải mô tả về “dân mạng” rất rộn ràng kia ở đâu? Có bạn trong đó không? Và hẳn tôi cũng như bạn, sẽ vô cùng ngơ ngác khi tự nhận mình sử dụng mạng thường xuyên như một phương tiện công việc nhưng hoàn toàn chẳng biết tí gì trước chuyện “dân mạng ném đá” một cô ca sĩ phát biểu sơ hở hay “dân mạng toàn cầu phát điên” vì một clip nào đó…

Chắc chắn sẽ có vô số những cái ngơ ngác, bất ngờ như tôi với bạn, một khi trên không gian ảo của mạng xã hội nói riêng, internet nói chung, sự phân hóa khuynh hướng mục đích sử dụng và mối quan tâm, sở thích diễn ra không thua kém trong đời sống thực. Con người hôm nay mang vào không gian mạng đủ thứ rắc rối của cuộc đời. Chính vì vậy, chẳng ai có thể đại diện cho ai cả. Câu chuyện một cô hoa hậu nào đó bị “dân mạng” soi cần được hiểu chỉ là vấn đề của một nhóm quan tâm đến thông tin hoa hậu, mỹ nhân mà thôi. Cũng thế, câu chuyện một nhóm nào đó trên mạng ném đá câu phát biểu của ông X, bà Y thì đó chỉ là vấn đề của một nhóm ấy, không thể đại diện cho tất cả.

“Dân mạng” là cách vơ đũa cả nắm để tạo ra sức mạnh đám đông.

Phóng đại phản ứng của “dân mạng” trong trường hợp này chẳng khác nào phóng đại sức ảnh hưởng của một khoanh vùng đám đông và làm cho chúng có âm vang, quyền lực trong thời truyền thông là một thứ vũ khí.

Đến một lúc nào đó, kiểu truyền thông nhân danh “dân mạng” sẽ làm cho bản thân khái niệm “dân mạng” được hình dung là những thứ nhố nhăng, rẻ tiền, những đám đông nhạy cảm, luôn bị kích động, chộn rộn và hung hăng trước mọi sự trong đời sống. Trong rất nhiều trường hợp, tính cách của “dân mạng” hoàn toàn được mô tả theo chiều hướng nóng vội, ồn ào và phi lý trí. Và nguy hiểm hơn, nó triệt tiêu cách hiểu về cuộc sống đa dạng trên không gian mạng.