(TBKTSG) - Bản án phúc thẩm vụ “con ruồi trong chai nước ngọt” của Tòa án cấp cao tại TPHCM vừa tuyên (8-9) không chỉ làm rõ bản chất của vụ việc, mà còn phơi bày cả yếu tố đạo đức của bị cáo và bị hại...
1. Đạo đức của bị cáo
Ngày 8-9-2016, Võ Văn Minh - người dùng chai nước ngọt Number One có con ruồi chết bên trong để gây áp lực “cưỡng đoạt” 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát đã khai trước hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm, thể hiện nội dung như sau:
Trong quá trình bán nước giải khát cho khách, ngày 3-12-2014, Minh phát hiện chai nước Number One có con ruồi chết bên trong nên đã cất giữ (không để cho khách thấy). Sau đó, Minh liên lạc với Công ty Tân Hiệp Phát (nhà sản xuất chai nước ngọt) thông báo sự việc. Và nhân viên của Tân Hiệp Phát đã gặp Minh xác nhận chai nước đó là của công ty nên muốn xin lại, bằng cách “đền” hai thùng nước ngọt và thùng đựng đá.
Biết chai Number One có chứa con ruồi chết là do lỗi của nhà sản xuất (lúc đầu Minh nghĩ chai nước này bị làm giả) nên Minh không đồng ý với đề nghị của nhân viên Tân Hiệp Phát. Lòng tham nổi lên, Minh yêu cầu Tân Hiệp Phát phải đưa cho mình một tỉ đồng thì mới trả chai nước có ruồi và sự im lặng của mình. Nếu không Minh sẽ thông tin sự việc này lên báo chí, báo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, thậm chí là in 5.000 tờ rơi để phát tán.
Minh cho biết, Tân Hiệp Phát đề nghị trả 100 triệu đồng để đổi lấy chai Number One chứa ruồi và sự im lặng nhưng Minh không đồng ý. Cuộc thương lượng giữa Minh và Tân Hiệp Phát sau gần hai tháng mới “thành công”. Ngày 27-1-2015, Minh ký biên nhận với nội dung: “Tôi tên: Võ Văn Minh, sinh năm 1980; địa chỉ: ấp An Bình, xã An Cư, Cái Bè, Tiền Giang, có nhận đủ số tiền 500 triệu đồng - là số tiền tôi yêu cầu để đổi lấy chai nước Number One có con ruồi”.
Tuy nhiên, Võ Văn Minh đã bị cơ quan công an Tiền Giang bắt ngay sau khi nhận tiền... và bị Tòa án tỉnh Tiền Giang tuyên phạt sơ thẩm 7 năm tù vì tội cưỡng đoạt tài sản.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Minh thắc mắc với hội đồng xét xử: “Tại sao Tân Hiệp Phát đã đồng ý mua chai nước có ruồi còn báo công an bắt bị cáo? Bị cáo bị oan”. Vị đại diện viện kiểm sát hỏi: “Chai nước bị cáo bán cho khách 10.000 đồng sao lại bán cho Tân Hiệp Phát với giá một tỉ (sau đó hạ xuống còn 500 triệu đồng)?” Minh đáp: “Bị cáo bán theo giá... lỗi của công ty”.
Sau khi phân tích hành vi “tống tiền” của Võ Văn Minh là vi phạm pháp luật (phạm tội cưỡng đoạt tài sản), đại diện viện kiểm sát cũng như hội đồng xét xử đã phân tích thêm (cho Minh hiểu) rằng, hành vi của Minh vi phạm rất nặng nề về mặt đạo đức, rất nguy hiểm cho xã hội. Bởi, nếu hành vi “bán sự im lặng” của Minh trót lọt thì sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng có thể ảnh hưởng (uống sản phẩm nước ngọt bị lỗi, không đảm bảo chất lượng mà không biết).
2. Đạo đức của bị hại
Tại tòa, đại diện Tân Hiệp Phát cho rằng, lúc đó bị uy hiếp nên rất lo sợ, vì nếu doanh nghiệp không đưa tiền cho Võ Văn Minh để lấy sự im lặng thì uy tín của doanh nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng (dù chưa kết luận được chai nước ngọt có ruồi do khâu nào).
Trong khi, theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Võ Văn Minh thì Tân Hiệp Phát không hề bị uy hiếp tinh thần và lo sợ (dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản) như họ nói. Bởi, nếu bị uy hiếp, tại sao phải kéo dài thời gian thương lượng với Minh về giá chai nước đến 52 ngày (thực tế là kéo dài để thu thập chứng cứ nhằm báo công an bắt Minh)? Sao không báo công an sớm để ngăn chặn hành vi của Minh để giảm rủi ro?
“Một tập đoàn lớn, danh tiếng, có kinh nghiệm truyền thông, có cố vấn pháp lý... không thể sợ Minh - một người dân nghèo, mới học đến lớp 7, không biết mạng xã hội, không đọc báo... có tin được không?”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, một trong những người bào chữa miễn phí cho Minh, bình luận.
Theo luật sư, Tân Hiệp Phát ứng phó với trường hợp Võ Văn Minh rất chủ động. Thậm chí họ đã gài bẫy, dẫn dắt Võ Văn Minh từ lời nói ban đầu vào con đường phạm tội. Thực tế, thẩm vấn tại tòa, cho thấy Minh chỉ “hù” Tân Hiệp Phát chứ không biết cách và cũng không có khả năng đăng báo, in tờ rơi, báo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng về nội dung chai nước có ruồi.
Hơn nữa, theo luật sư, nếu đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử lấy yếu tố về đạo đức để củng cố lời buộc tội Minh thì tại sao lại không xem xét yếu tố đạo đức của Tân Hiệp Phát. Bởi vì, tại tòa và hồ sơ vụ án, Tân Hiệp phát thừa nhận việc thỏa thuận chỉ để mua sự im lặng của Minh.
“Tân Hiệp Phát nói 3.000 công nhân của họ có thể bị ảnh hưởng bởi lời đe dọa của Minh. Vậy chai nước có ruồi có thể đe dọa sức khỏe của hàng chục triệu người dân thì sao? Tân Hiệp phát muốn im lặng vì chai nước có ruồi mà mất đạo đức hơn rất nhiều so với sự im lặng của Võ Văn Minh”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.
Nhưng có một thực tế là, tại tòa, viện kiểm sát và hội đồng xét xử đều thuyết giảng về phạm trù đạo đức với Võ Văn Minh, nhưng lại quên bàn về đạo đức của Tân Hiệp Phát - đạo đức về mua sự im lặng của chai nước có ruồi!