Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Giáo dục và đồng tiền, chuyện ghi ở Kỳ Hà

Lê Nguyễn Duy Hậu

VNN - Tại thời điểm trẻ em cả nước náo nức khai trường thì gần 1.000 học sinh xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại kém may mắn không được đến trường. Lý do? Bố mẹ chúng không đủ tiền cho chúng đi học.

Người dân ở đây tâm sự rằng họ không thể gánh được khoản phí cho các em đến trường như học phí, phí đóng góp xây trường, tiền mua sách vở, đồng phục, tiền kích cầu... Còn phía chính quyền thì ra sức đổ lỗi cho người dân, cho rằng họ đang gây sức ép để nhận quyền lợi và xâm phạm quyền học tập của trẻ em.

Xã Kỳ Hà là nơi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề sau thảm hoạ môi trường biển.

Trong hầu hết mọi chuyện, khi người lớn mải cãi nhau thì trẻ em luôn phải chịu thiệt.

Tôi thấy rất xót xa với sự việc này. Có lẽ nào đây là hậu quả nhãn tiền của sự thiếu minh bạch trong chi tiêu giáo dục mà từ lâu xã hội đã vô tình đồng loã bằng sự im lặng?

Hẳn những ai từng đi học đều hiểu rằng giáo dục ở Việt Nam không "miễn phí" (trong khi ở nhiều nước, giáo dục là miễn phí). Về mặt pháp lý, Hiến pháp Việt Nam đảm bảo miễn học phí cho bậc tiểu học (đúng với cam kết của Việt Nam trong Công ước về các Quyền Kinh tế, văn hoá, xã hội) nhưng trên thực tế, các cơ sở giáo dục vẫn thu rất nhiều khoản phí từ phía học sinh các cấp dưới nhiều tên mà hiếm ai hiểu ý nghĩa của nó như "kích cầu", "đóng góp cơ sở vật chất", "phí ngoại khoá", "phí hội phụ huynh học sinh". Các khoản phí này thường lớn hơn rất nhiều học phí do Nhà nước quy định.

Theo Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, những khoản đóng góp kể trên là "tự nguyện" và việc bắt buộc đóng góp như điều kiện để cung cấp dịch vụ giáo dục là vi phạm pháp luật (Công văn 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010).

Tuy nhiên, thông tin đã được nhiều tờ báo đăng tải thẳng thắn cho thấy, đây đó có những "quyền lực mềm" từ phía nhà trường và ban giám hiệu đủ mạnh để buộc phụ huynh học sinh hiểu rằng họ có quyền không đóng tiền, nhưng việc không đóng tiền này sẽ không có lợi cho con em họ.

Cách vận hành này đã tồn tại quá lâu để có thể được gọi là "tạm thời" và quá phổ biến để có thể gọi là "bản chất". Vì tương lai của con em, không nhiều người chất vấn các khoản đóng góp này và chấp nhận xem nó như một khoản "học phí thực tế".

Văn hoá Việt Nam không cho phép người ta đôi co với thầy, ngay cả về chuyện tiền nong. Việc chấp nhận nó đã khiến hệ thống tài chính giáo dục Việt Nam trở nên méo mó và đắt đỏ (nếu so với mặt bằng thu nhập và bản chất Nhà nước được tuyên bố).

Câu chuyện đang xảy ra tại Kỳ Hà buộc chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ khác. Sẽ rất đơn giản để mọi thứ êm xuôi. Một vài nhà hảo tâm có thể đứng ra hỗ trợ người dân Kỳ Hà hoặc một vị lãnh đạo có thể làm an lòng dân bằng tuyên bố miễn giảm mọi khoản phí. Nhưng cách xử lý như vậy, xem ra chưa đủ để làm thay đổi tận gốc  bản chất vấn đề.

Tôi đọc trên VietnamNet thấy dẫn lời ông Phó chủ tịch xã Kỳ Hà cho rằng, xã đã hỗ trợ miễn giảm 1/3 khoản đóng góp xây dựng nhà trường cho người dân "vậy mà" người dân còn đòi giảm cả 100%. E rằng, chính cách làm này là rào cản chính khiến con đường đến trường của bọn trẻ ở Kỳ Hà thêm gập ghềnh.

Nói cho sòng phẳng, truyền thống tôn sư trọng đạo không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận những điều vô lý, trái luật.