Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Xổ số - người nghèo càng nghèo thêm

Phan Minh Ngọc

(TBKTSG) - Bộ Tài chính mới đây cho biết sau một tháng vận hành thành công hệ thống kinh doanh xổ số điện toán tại thị trường TPHCM, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) thuộc Bộ Tài chính đang chuẩn bị tổ chức kinh doanh xổ số điện toán tại 11 tỉnh và thành phố khác từ nay đến đầu năm 2017. Với đà này, có lẽ chẳng lâu nữa loại hình xổ số này sẽ phủ khắp cả nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, Vietlott góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách để có nguồn đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh và phúc lợi xã hội. Điều này phù hợp với thông lệ chung của thế giới là hoạt động kinh doanh xổ số nhằm thu hút nguồn tiền vui chơi giải trí của người dân, được đầu tư trở lại cho người dân.

Như vậy, xem ra xổ số nói chung và xổ số điện toán nói riêng chỉ được nhìn nhận từ khía cạnh tích cực, và vì thế được công nhận và được cổ xúy để ngày càng mở rộng quy mô và phạm vi trên cả nước mà đã bỏ qua hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội có thể gây ra bởi xổ số.

Do Việt Nam chưa từng công bố những số liệu cần thiết cũng như đã có những nghiên cứu khoa học liên quan đến xổ số và tác động của nó nên bài này sử dụng một số số liệu và phân tích liên quan đến xổ số ở Mỹ để minh họa tác động tiêu cực có thể có của xổ số ở Việt Nam.

Xổ số làm bần cùng hóa người thu nhập thấp

Theo NBC(1), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ mật thiết theo chiều thuận giữa doanh thu xổ số với tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ. Nói cách khác, người mua xổ số thuộc nhóm có thu nhập thấp thường là những người mua xổ số trung thành và đông đảo nhất. Hoàn cảnh càng khó khăn, càng tuyệt vọng thì những người này càng lao vào xổ số để hy vọng đổi đời để rồi càng rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng hơn (vì chỉ có một số rất ít người trúng thưởng đáng kể). Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy các gia đình nghèo, có thu tổng thu nhập dưới 13.000 đô la Mỹ/năm, lại chi trung bình tới 645 đô la, tức 9% thu nhập của họ để mua xổ số(2).

Hơn nữa, thống kê cũng cho thấy một thực tế đáng ngại là người nghèo cắt giảm những nhu cầu thiết yếu của mình để lấy tiền mua xổ số. Như đồ thị dưới đây minh họa, các gia đình thu nhập thấp ở Mỹ tính trung bình chi 162,2 đô la cho xổ số thì họ cắt giảm tương ứng các nhu cầu khác (không liên quan đến cờ bạc), trong đó đáng kể nhất là các nhu cầu thiết yếu như chi phí nhà ở (72,61 đô la), quần áo (10,58 đô la), ăn ở nhà (8,71 đô la), và giáo dục (5,18 đô la).

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, lợi nhuận từ xổ số được dùng để bù đắp phần hụt thu từ thuế thu nhập và thuế tiêu thụ, hoặc là đệm đỡ để cắt giảm các loại thuế này khi chính quyền mong muốn (ví dụ, vì động cơ chính trị, lấy lá phiếu bầu). Bằng cách này, gánh nặng chi ngân sách được “nhường” thêm cho người nghèo và gia đình họ gánh thay cho những cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao hơn và có khả năng đóng góp nhiều hơn.

Như vậy, xổ số đã cả trực tiếp và gián tiếp làm bần cùng hóa, suy giảm hơn nữa chất lượng cuộc sống của tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội. Đây là một điều nghịch lý vì mục đích tồn tại và sứ mệnh của Nhà nước là để bảo vệ phúc lợi của dân chúng, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương, nhưng sứ mệnh và mục đích này lại được thực hiện một phần thông qua kinh doanh xổ số vốn có tác dụng ngược lại.

Chi phí chiếm phần lớn doanh thu xổ số

Một trong những lý do để nhiều người ủng hộ tăng cường hơn nữa kinh doanh xổ số là nhận thức cho rằng xổ số đóng góp đáng kể cho ngân sách. Nhưng cũng theo NBC, cứ mỗi đô la thu được từ bán xổ số ở mỗi bang của Mỹ thì, tính trung bình, chi phí đã chiếm đến 72 xu. Trong đó, 60 xu được trả cho người trúng thưởng. Một phần khác dùng trả chi phí vận hành hệ thống xổ số. Phần còn lại của 1 đô la này được nộp vào ngân sách của bang. Tùy từng bang mà phần nộp ngân sách lớn hay nhỏ, nhưng có bang như Rhode Island chỉ thu được 11 xu cho mỗi đô la doanh thu xổ số năm 2012. Ngược lại, cũng có bang như Oregon, ngân sách thu được tới 50 xu trên mỗi đô la doanh thu xổ số.


Ở Việt Nam, không rõ ngân sách trung ương và địa phương đã thu được bao nhiêu từ kinh doanh xổ số. Nhưng nếu cứ nhìn vào trường hợp ở Mỹ thì có thể thấy phần nộp vào ngân sách từ doanh thu xổ số có lẽ không lớn như người ta tưởng, nhất là khi tính thêm những yếu tố tiêu cực làm đội chi phí lên như tiền lương của nhân viên và lãnh đạo các công ty xổ số đứng ở mức cao một cách bất hợp lý trong mặt bằng lương ở Việt Nam nếu xét đến tính chất của ngành nghề này.

Giải pháp nào?

Xổ số được tuyên truyền và nhận thức như một loại hình giải trí tự nguyện và phục vụ cho những mục đích tốt đẹp. Nhưng ngoài chuyện những đồng tiền thu từ xổ số nộp vào ngân sách có thực sự phục vụ cho những mục đích tốt đẹp hay không hay lại chui vào xe sang và công sở đẹp, hoặc nằm ở những dự án ngàn tỉ “đắp chiếu” và túi của quan tham, những số liệu thống kê thực tế cho thấy xổ số là một loại thuế trá hình, mang tính bóc lột, đánh nặng lên người nghèo, những người có ít khả năng chống đỡ nhất.

Tuy vậy, giải pháp không phải là dẹp bỏ xổ số vì vẫn có nhu cầu lớn cho loại hình cờ bạc này. Thay vào đó, phải làm cho xổ số trở thành một loại hình cờ bạc không mang tính bóc lột. Trước tiên, Nhà nước nên chấm dứt việc kinh doanh của mình, tiến hành tư nhân hóa ngành này vì Nhà nước không thể vừa khoác vai bảo vệ phúc lợi của dân, vừa trực tiếp kinh doanh xổ số để trực tiếp làm bần cùng hóa một bộ phận dân chúng.

Việc này, còn có một lợi ích khác là ngân sách thu nhiều hơn từ xổ số do các doanh nghiệp kinh doanh xổ số phải cạnh tranh nhau mạnh hơn, đồng thời dễ cho Nhà nước điều tiết được ngành này (ví dụ, tránh được các hậu quả do doanh nghiệp được độc quyền).

Nhiều bang ở Mỹ nhằm mục đích tăng phần thu về cho ngân sách từ xổ số đã và đang chuyển giao việc kinh doanh xổ số cho các doanh nghiệp tư nhân, như GTECH, một doanh nghiệp cung cấp hàng loạt dịch vụ liên quan từ hệ thống máy tính đến các điểm bán lẻ xổ số. Doanh nghiệp này được sở hữu bởi tập đoàn Lottomatica, Ý, là một gã khổng lồ trong ngành cờ bạc thế giới, với hơn 8.000 nhân viên hoạt động trên hơn 50 nước.

Các doanh nghiệp xổ số nhà nước thường không có đủ kỹ năng tối đa hóa lợi nhuận và tăng doanh thu như các doanh nghiệp kinh doanh xổ số tư nhân chuyên nghiệp này.

Ở Việt Nam, trong khi Nhà nước vẫn độc quyền kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, điều đáng lưu tâm hơn là xu hướng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp độc quyền này với doanh nghiệp nước ngoài, như với trường hợp Vietlott. Mô hình kinh doanh này có khả năng làm lợi lớn cho đối tác nước ngoài do triệt để khai thác vị thế độc quyền nhà nước được pháp luật trao cho doanh nghiệp. Bởi vậy, tư nhân hóa dịch vụ kinh doanh xổ số sẽ tăng tính cạnh tranh lành mạnh và cải thiện hiệu quả kinh doanh của ngành này ở Việt Nam.

Giải pháp tiếp theo là hạn chế quảng cáo “láo”, sai sự thật trong ngành kinh doanh này. Cũng giống như với kinh doanh thuốc lá và rượu bia, những ngành nghề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Nhà nước cần có những quy định về quảng cáo để giảm ảo tưởng tạo bởi các công ty và đại lý xổ số rằng mua xổ số là dễ trúng, dễ đổi đời, dễ làm giàu… làm người mua, nhất là người nghèo, càng lao vào chơi một cách mù quáng.

Cuối cùng, xổ số về bản chất là một loại cờ bạc, không nên cổ xúy phát triển mà nên đánh thuế thật mạnh để cả người kinh doanh và đối tượng chơi đều phải cân nhắc. Ngoài ra, Nhà nước cần phải bắt buộc trích một phần doanh thu từ xổ số để phục vụ cho các chương trình cai nghiện cờ bạc, trong đó có xổ số.

(1) http://www.nbcnews.com/business/powerball-profits-dont-all-go-where-you-think-they-do-1C7324290

(2) http://www.salon.com/2013/ 04/15/10_reasons_state_lotteries_ruin_the_economy_partner/