VNN - Mấy hôm nay, nhiều tờ báo đều đưa tin về vụ việc mà công an quận Bắc Từ Liêm đang thụ lý, một người phụ nữ sinh năm 1985, viết tắt là N. đã thuê người chặt một phần ba tay và một phần ba chân của mình rồi nằm bên đường sắt giả hiện trường một vụ tai nạn để yêu cầu được bảo hiểm.
Bạn tôi, người phụ trách tờ An ninh thủ đô Điện tử, cơ quan báo chí đầu tiên đề cập vụ việc thốt lên trên trang facebook cá nhân: “Tuy không có tiếng súng, nhưng thật là ám ảnh”.
Tôi đoán chừng, thứ ám ảnh anh, cũng là thứ đang ám ảnh tôi, và mang lại rất nhiều năng lượng tiêu cực cho độc giả khi tiếp cận tin này, đó là sự day dứt về một nỗi tuyệt vọng. Điều gì đã đẩy N, đẩy M… bước qua giới hạn của sự chịu đựng mà một người bình thường chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy không thể vượt qua?
Trong một bài viết của hai nhà khoa học Nick Huband và Digby Tantam đăng trên Tạp chí Y học thần kinh uy tín của Anh Quốc (cung cấp online bởi Taylor&Francis) nghiên cứu về 213 trường hợp phụ nữ tự thương được ghi nhận ở các cơ sở y tế Anh cho rằng, Tự thương (self-wounded) là những hành động có xuất phát từ những chấn thương tâm lý trong quá khứ như bị lạm dụng tình dục, đối xử thô bạo, hoặc bị bỏ rơi trong những tháng năm tuổi thơ. Liệu có một mối liên kết nào giữa những hành động đang bị soi chiếu dưới góc nhìn Bảo hiểm và những diễn biến tâm lý thần kinh phức tạp của một con người như đang xảy ra với N. Đó là câu hỏi ám ảnh tôi suốt ngày hôm nay, khi nghe tin, và tìm kiếm những câu chuyện tương tự, những kiến giải có chiều sâu của những cây viết khoa học trên các databases uy tín về học thuật.
Chúng ta – những người có hoàn cảnh sống ổn định, và có tư duy bình thường, rõ ràng đều cảm thấy hoang mang và tiêu cực, khi đọc tin về N. Bởi vì, chúng ta thấy một phần, dù rất nhỏ, hay rất sâu của mình trong đó. Trong đời người, tôi dám chắc, ít nhiều đều có những dư chấn ám ảnh từ sự cô đơn. Ít nhiều, ai cũng từng lạc vào một giấc mơ, mà ở đó các bạn, giống như tôi đã từng, rơi tự do trong một cái phễu tối đen vô định, chỉ kết thúc khi mình sực tỉnh khỏi cơn mơ.
Điều đáng sợ, là có một số người đang có hoàn cảnh sống cùng quẫn giống như những cơn mơ vô định đó. Cô gái “đã lấy chồng có hai con và đang sinh sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội” này đang ở trong một cơn mơ-thực như vậy. Tôi không hiểu là người ta đã căn cứ vào kiểu cộng trừ cơ học nào để đưa ra con số hơn ba tỷ đồng mà cô ấy nghĩ rằng sẽ được bảo hiểm chi trả nếu cơn mơ thực của cô được bên bảo hiểm xác nhận. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm của ba công ty, việc thuê người và còn nói rõ là chỉ làm thương tay trái và chân trái, có nghĩa là N. đã có một mục đích ngay từ đầu, hoàn toàn tỉnh táo. Tỉnh táo trong sự cùng quẫn… và từ khi có “ý tưởng” nảy sinh, đến lúc nằm trơ trọi bên đường tàu chờ người đồng sự đi báo công an, N. và cậu thanh niên được cô nhờ cộng tác đã bị bọc trong một thứ “nhộng không khí” (Murakami) của sự khốn cùng, họ không còn sáng suốt để mà lo sợ về nỗi đau thể xác và nỗi sợ nếu bại lộ cơ mưu. Giống như một bước trượt… đã lao xuống dốc và quán tính cứ thế lôi họ về cuối hố sâu.
Tôi không thể trách khi nhiều người bình luận đây là “lòng tham”. Có thể N. đã có những toan tính, và có thể sự thiếu hiểu biết về quy trình kiểm soát trả bảo hiểm vô cùng khắt khe đã khiến dợm bước rồi trượt xuống. Nhưng xuất phát điểm của ý tưởng này, hẳn nhiên phải có xuất xứ từ một điểm không còn chỗ để thoái lui.
Kết quả điều tra ban đầu của Công an Bắc Từ Liêm đã giúp cơ quan bảo hiểm ngăn chặn được một trường hợp “trục lợi” tiềm tàng, nếu có thể cho là như vậy. Kinh doanh lạnh lùng và chặt chẽ là như vậy, khi khách hàng là những con số trên hợp đồng, thì việc chi trả cho từng vụ việc là hoàn toàn khách quan và đúng luật. Người phụ nữ tên N. bước ra từ một đường cùng và đi vào một ngõ cụt khác, thậm chí còn khốn khó hơn, khi mà chị phải đối diện với những sai lầm của mình. Điều mà các nhà Tâm lý học thần kinh kiến giải, nó đáng để hoang mang hơn nhiều… dư chấn của sự việc này, có lẽ không rớt cùng những phần cơ thể đã bị hoại tử, và những băng gạc có thể chữa lành da, nhưng khó chữa lành nỗi ám ảnh trong lòng.
Ba năm trước, ở ấp 5 xã An Xuyên thành phố Cà Mau, cũng có một người phụ nữ 48 tuổi tên N. với một nỗi khốn cùng vì sinh kế, đã để lại chồng và các con cùng lá thư tuyệt mệnh, với hy vọng khi mình chết đi, tiền phúng điếu, sẽ đủ để cho con trai lớn của chị trang trải học phí của một trường cao đẳng. “Đứt tay, xót ruột” chỉ một vết cứa nhẹ trên thân thể đủ khiến cho những người bình thường phải đớn đau. Những vết cứa tự thương của những chị N. cũng làm cho xã hội phải xót ruột và suy tư về cuộc sống của mình.