VNN - Từ vụ việc kinh hãi người dân tự chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm y tế, đến tài sản khủng của ông cựu Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, vẫn không bước ra khỏi tổng kết ngắn gọn mà thâm thúy của cha ông xưa: Quan tham, dân gian.
Đôi khi, trong xã hội vốn nhiều bất an lại có những vụ việc khiến con người … run sợ, vì quá sức tưởng tượng và không hiểu nổi
Dân gian…
Đó là vụ việc mới đây- một người phụ nữ 30 tuổi, thuê một thanh niên với cái giá 50 triệu đồng để chặt chân, chặt tay mình rồi giả làm hiện trường tai nạn giao thông đường sắt- tại phố Kiều Mai, Bắc Từ Liêm, tuyến đường Bắc Hồng- Văn Điển. Mục đích nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm y tế lên tới khỏang 3,5 tỷ đồng.
Vụ việc đã diễn ra thành công như “kịch bản” của người phụ nữ “nạn nhân”, với sự thỏa thuận hành động có điều kiện của thủ phạm (được trả 50 triệu đồng).
Có điều, kết quả thì thất bại.
Bởi sự thật được phát hiện gây chấn động cả xã hội: Vụ tai nạn đường sắt chỉ là giả, nhưng âm mưu trục lợi tiền bảo hiểm là thật.
Đang là người lành bỗng trở thành người “què” đúng nghĩa mà mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm vẫn không đạt được, nói như trong các phim giải trí của Hồng Kông, thành công khôngcó, thất bại có phần, chị L. T . N, nhân vật chính của vụ việc này, như trong câu chuyện ngụ ngôn xưa lại đành “trở về với cái máng lợn sứt mẻ”. Không hiểu, chị ta sẽ sống với tâm trạng ra sao giữa gia đình ruột thịt, họ hàng và chòm xóm mà bất cứ chuyện gì cũng có thể trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường?
Có rất nhiều lời bình luận xung quanh vụ việc đáng sợ mà dở khóc dở mếu này.
Bài báo “Tuy không có tiếng súng, nhưng thật là ám ảnh” (Tuần Việt Nam, ngày 26/8) nhìn nhận ở góc độ bệnh lý, khi dẫn chứng bài viết của hai nhà khoa học Nick Huband và Digby Tantam đăng trên Tạp chí Y học thần kinh uy tín của Anh Quốc (cung cấp online bởi Taylor&Francis) nghiên cứu về 213 trường hợp phụ nữ tự thương được ghi nhận ở các cơ sở y tế Anh cho rằng, Tự thương (self-wounded) là những hành động xuất phát từ những chấn thương tâm lý nặng nề trong những tháng năm tuổi thơ. Bài báo đặt câu hỏi: Liệu có một mối liên kết nào giữa những hành động đang bị soi chiếu dưới góc nhìn “bảo hiểm” và những diễn biến tâm lý thần kinh phức tạp của một con người như đang xảy ra với L.T. N?
Nhưng ở góc độ nhân sinh, chắc chắn đó là những hành vi có tính toán của sự khốn cùng, quẫn bách, dẫn đến những hành động tăm tối, thiếu sáng suốt.
Ở vụ việc này, một đằng là sự khốn cùng, tham lam và thiếu hiểu biết đã dẫn đến những dự định tăm tối. Một đằng tham lam, thiếu hiểu biết dẫn đến tội ác, cho dù có sự thỏa thuận của nạn nhân. Bởi họ đâu hiểu quy trình trả bảo hiểm vô cùng chặt chẽ, với những nhà chuyên môn “chai sạn” không dễ bị lừa bởi những toan tính nông cạn, hời hợt, thậm chí là ngây ngô?
Rồi đây rất có thể họ sẽ phải chịu xử lý của pháp luật. Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng LS Trung Hòa, Đoàn LS TP Hà Nội), cho biết, người đi thuê và kẻ được thuê chặt chân tay hòng lấy tiền bảo hiểm sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc.
Thế nhưng người được thuê chặt tay chân của người khác rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 104 Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009, thì người thuê chặt do chưa thực hiện được việc trục lợi (tiền bảo hiểm y tế) nên sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự hiện hành (VietNamNet, ngày 25/8).
Dù vậy, trở thành kẻ thương tật bất đắc dĩ, giữa miệng tiếng người đời, liệu đó có phải là sự trừng phạt cay đắng, ám ảnh khi trục lợi bất thành của L.T.N.
…. Và quan tham
Vào đúng lúc xã hội bàng hoàng vì câu chuyện tự nguyện chặt chân tay để trục lợi tiền bảo hiểm y tế, có một vụ việc cũng liên quan đến y tế, nhưng là liên quan đến nghi vấn người của y tế “tham nhũng”. Đó là vụ thông tin về khối tài sản khủng của ông Hoàng Sỹ Bình, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa. Theo ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sẽ báo cáo Tổng TTCP về khối tài sản của ông này (GDVN, ngày 25/8)
Khủng như thế nào? Cũng theo báo GDVN, vợ, chồng, con cái ông Hoàng Sỹ Bình sở hữu khối tài sản lớn, nằm tại những vị trí "đất vàng" ở thành phố Thanh Hóa. Tính sơ qua khối tài sản khủng đứng tên vợ chồng ông Hoàng Sỹ Bình đã là 05 lô "đất vàng”, có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.
Đặc biệt, ngôi biệt thự được xây 04 tầng, tọa lạc trên diện tích 410m2, Khu Đô thị Bình Minh đứng tên ông Hoàng Vân (SN 1985, con trai ông Hoàng Sỹ Bình) vừa bị phát hiện cũng giá trị tới cả chục tỷ đồng.
Trước đó, ông Hoàng Sỹ Bình bị phát hiện, đã “qua mặt” Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ban hành 03 văn bản trái luật, đồng ý cho thuộc cấp tuyển dụng 3.721 viên chức và ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vụ việc đó còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây, dư luận lại tiếp tục ồn ã, cũng ông Hoàng Sỹ Bình, thời còn làm kiêm nhiệm Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã đã ký hàng loạt hồ sơ tuyển dụng bác sỹ, y tá vào Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, kiểu bệnh viện chưa lập, thầy thuốc đã đến.
Thật bẽ bàng.
Trong cái thời buổi đồng tiền đi trước đồng tiền hư này, người ta đã phải đặt thẳng câu hỏi không chút “tế nhị”- những người được tuyển dụng đã phải lo lót bao nhiêu tiền để được tuyển dụng? Ai có thể trả lời được ngoài những người trong cuộc?
Có điều đáng chú ý, những vụ việc tham nhũng kiểu biệt thự khủng, tài sản khủng, đất khủng, tiền khủng…. của các quan chức nhất là sau khi hạ cánh an toàn, dẫu có được “phô” ra trên mặt báo, giờ đây đã không còn khiến dư luận sốc nữa.
Một bạn đọc email về cho tòa soạn: Sức đâu mà rà với chả soát? Ông nào hạ cánh chả xuấthiện “tài sản khủng”? Câu nói chứa đựng nỗi bất lực, cam chịu chua chát.
Người ta nhớ đến khái niệm “đúng quy trình” bị dân dị ứng, vì nó bị lợi dụng mọi lúc mọi nơi, từ lúc “đi đêm’ nay ra luôn… ánh sáng: Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình. "Chữ ký hoàng hôn" đúng quy trình. Mà có ai đó đã thốt lên, nhân TS Nguyễn Đình Cung nhận xét vụ bổ nhiệm gây ồn ào dư luận gần đây: Cả sự trơ trẽn cũng… đúng quy trình nốt.
Chẳng đâu xa, ngay lập tức, người ta lập tức nhớ đến khối tài sản đồ sộ của ông cưụ Chánh TTCP, với phát ngôn bất hủ mà đầy hài hước “làm thối cả móng tay”.
Nhớ đến câu tổng kết đầy ấn tượng cũng của ông Tổng TTCP về công tác phòng chống tham nhũng tầm quốc gia (2012-2014) “03 năm qua, tham nhũng vẫn tiếp tục ổn định”.
Thế nên, mới hiểu vì sao vụ tài sản khủng của ông cựu Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã không gây “sốc” nổi. Người ta chỉ nhớ ca dao ngụ ngôn xa xưa của ông cha: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm!
Từ vụ việc kinh hãi người dân tự chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm y tế, đến tài sản khủng của ông cựu Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, vẫn không bước ra khỏi tổng kết ngắn gọn mà thâm thúy của cha ông xưa: Quan tham, dân gian
“Đất nước những năm tháng thật buồn!” (thơ Nguyễn Khoa Điềm)