Đất Việt - Không lòng vòng lý do, ĐBQH Đà Nẵng - Nguyễn Bá Sơn nói thẳng "nếu là tôi, tôi sẽ xin từ chức và cúi đầu xin người dân tha thứ".
Ông Sơn nói với giọng thành khẩn giống như việc mình vừa gây ra.
"Tôi không bình luận về thái độ thành khẩn cũng như tính tự giác của lãnh đạo Sở TN-MT Hà Tĩnh hay Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Tĩnh khi tự nhận hình thức rút kinh nghiệm hay kiểm điểm sau sự cố môi trường Formosa gây ra. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ xin từ chức và cúi đầu xin được người dân tha thứ".
"Tôi cũng sẽ cố gắng xin được tham gia vào một hoạt động nào đó, có thể như những người dân đang đi nhặt rác làm sạch bờ biển Đà Nẵng hay bất cứ một hoạt động nào có thể khắc phục được phần nào hậu quả cho môi trường từ sai phạm đã gây ra".
Ông Sơn cũng cho biết, nếu là ông sẽ làm tất cả trong khả năng và tận dụng mọi mối quan hệ mình có chỉ để được tham gia vào các hoạt động khắc phục hậu quả, bảo vệ môi trường như một cách chuộc lỗi.
Theo vị đại biểu đoàn Đà Nẵng, dù là một cán bộ công chức hay là người dân bình thường ai cũng có trách nhiệm của mình và phải tự đánh giá, nhìn nhận đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mình đang làm.
Về câu chuyện xử lý trách nhiệm thế nào, xử lý ai trong vụ việc để Formosa xả thải trái phép ra môi trường, ông Sơn nói thẳng: "sẽ là tai họa cho đất nước này nếu còn tiếp tục những câu chuyện cứ xảy ra sự việc thì lại không biết tìm trách nhiệm ở đâu", ông nhấn mạnh: "Đó chính là tai họa".
Nhưng khi nhìn vào thực tế hiện nay, ông lại cho biết, tai họa đó đang là hiện hữu, đang có một sự không rõ ràng, rạch ròi nhất trong các mối quan hệ hành chính chính là "trách nhiệm".
Bản thân ông cũng cho biết, tới thời điểm này vẫn chưa thể tính toán được có tất cả bao nhiêu sở ngành, bao nhiêu cấp có trách nhiệm liên quan.
Ông Sơn nói, có lẽ là do họ đã không thể thoát ra được tư duy khi phân tích về giới hạn, quyền hạn, phạm vi của chính họ khi xử lý việc đó nên khi xảy ra sự cố thì bản thân họ cũng không hiểu rõ được trách nhiệm thuộc về chỗ nào và thuộc về ai.
"Không thể lòng vòng mãi, cứ kêu gọi xử lý trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm người đứng đầu nhưng lại không biết trách nhiệm đó thuộc về ai", ông nói thẳng.
Là một người tích cực theo dõi, theo dõi một cách chăm chú, theo dõi từng diễn biến, từng động thái từng ngày ngay từ đầu vụ việc, ông Sơn tỏ rõ thái độ không hài lòng với tiến độ xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng liên quan.
Theo ông, Chỉ đạo rất từ Chính phủ và các bộ là rất rõ ràng, kiên quyết, quyết liệt nhưng khi tới địa phương thì kết quả không thể chấp nhận được.
"Cũng như bạn và dư luận đã thấy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu hàng loạt các đơn vị như Sở TN-MT, Sở Công thương, Công an, Ban quản lý khu kinh tế... phải tự xem xét trách nhiệm, hình thức kỷ luật trong vụ việc Formosa xả thải và báo cáo trước ngày 15/8.
Nhưng kết quả là tới hôm nay vẫn không có ai làm mà chỉ có Sở TN-MT làm việc đó. Vậy xin hỏi thái độ của người đưa ra mệnh lệnh đó phải như thế nào? Có hay không tình trạng trên bảo dưới không nghe?", vị đại biểu đặt câu hỏi.
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rồi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước... tất cả đều đã nhắc đến Formosa như một bài học đắt giá cho sự "vô cảm" của những cán bộ công chức liên quan.
Cho tới hôm nay, ông Sơn cho biết, sự vô cảm đó vẫn đang thể hiện ở một mặt nào đó, hoặc một cấp, một địa phương nào đó trong việc tự nhìn nhận trách nhiệm của mình với người dân, với địa phương và với vai trò, chức năng, nhiệm vụ mình đang làm.
"Sự vô cảm đã biến con người ta trở lên hoàn toàn trơ trẽn, không còn cảm giác có tội với nhân dân. Tôi mong sự vô cảm này nó như thế nào, đang ở đâu cũng cần phải được chỉ ra rõ ràng", ông Sơn nói và cho biết, "ở đây không chỉ là trách nhiệm công vụ mà còn là trách nhiệm với nhân dân trước một sự cố mà cả Chính phủ, Nhà nước, và toàn nhân dân đều phải nói rõ đây là sự cố nghiêm trọng mà chúng ta đang phải trả giá một cách đau đớn cho sự vô cảm của những người thiếu có trách nhiệm".
Theo ông Sơn, đây chính là lỗi từ hệ thống, nhưng đã là lỗi thì phải sửa ngay. Ông không tin việc này không thay đổi được mà nó phải được thay đổi, chỉ là thay đổi chậm hay nhanh, sớm hay muộn mà thôi. "Tôi và dư luận đang chong mắt chờ xem, bắt đầu từ vụ Formosa này", ông nói.