Petrotimes - Không biết bắt đầu từ đâu mà ở ta có quá nhiều lễ lạt đến thế? Người ta thống kê mỗi năm có tới 8.000 lễ hội dân gian ở tất cả các cấp hành chính từ thôn làng đến quốc gia.
May quá, hầu hết các lễ hội dân gian đều là của dân, do dân tổ chức và nguồn kinh phí là của dân đóng góp. Thế nhưng các lễ lạt, kỷ niệm truyền thống, ngày thành lập, ngày lãnh tụ về thăm ở các địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lễ mừng đón danh hiệu… thì nhiều không sao kể xiết.
Cơ quan chức năng không thể thống kê được mỗi năm có bao nhiêu cuộc kỷ niệm kiểu này. Năm chẵn thì làm lớn, năm lẻ làm kiểu năm lẻ. Quy mô, hình thức có khác nhau nhưng rất giống nhau vì tốn kém quá mức. Đặc biệt là việc xây dựng các công trình, thực hiện các sản phẩm “chào mừng”, “nhân dịp” để rồi sau đó bỏ hoang, vắng như chùa bà Đanh, rêu phong cỏ mọc.
Minh chứng tiêu biểu cho kỷ niệm tốn kém kỷ lục ở nước ta là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà đến bây giờ cũng không biết đã quyết toán tốn kém bao nhiêu tỉ đồng.
Trong bối cảnh ấy. Nghị định số 145/2013/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Được biết văn bản quy định về tiết kiệm trong lễ lạt này phải qua đến 22 lần dự thảo, với một quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thận trọng mới tạo sự đồng thuận cao của các cơ quan tham mưu tổng hợp mới được trình Thủ tướng ký ban hành. Nghị định này thay thế Nghị định số 82 (ban hành năm 2001) và Nghị định số 154 (ban hành năm 2004) nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm được “thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với truyền thống dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế”.
Tuy nhiên, ngay từ khi công bố, văn bản này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận. Trong khoản 2, Điều 24, chương 6 về hình thức tổ chức các buổi lễ, nghị định quy định rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi, trừ trường hợp quy định tại Điều 11 của nghị định này”. Đáng quan tâm là quy định này được áp dụng cho tất cả các đơn vị, không loại trừ tổ chức xã hội nào, kể cả đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia đề xuất, quy định này chỉ nên áp dụng với cơ quan Nhà nước là những đơn vị cần tiết giảm chi phí công, còn với đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài thì nên để họ tự điều chỉnh. Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các lễ kỷ niệm đánh dấu một mốc phát triển của họ thì không thể cấm tặng quà hay biểu tượng logo được. Họ được quyền làm điều đó tùy khả năng tài chính của doanh nghiệp.
Quy định này hoàn toàn không phù hợp vì can thiệp quá sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp. Một số điều khoản quy định chi tiết và tỉ mỉ đến từng bộ trang phục, cách đi đứng, cách kính thưa, kính gửi mà không đi kèm thông tư hướng dẫn sẽ gây khó khăn khi thực hiện. Do không có thông tư hướng dẫn và không có chế tài đối với những đơn vị vi phạm nên sẽ khó khăn trong khi xử lý. Theo các quan chức Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nghị định này sẽ xử lý theo nguyên tắc, ai làm sai, cấp nào sai thì người đó, cấp đó phải chịu trách nhiệm. Cũng theo các quan chức văn hóa, nghị định chủ yếu mang tính vận động, khuyến khích mọi người thực hiện…
Có lẽ do văn bản pháp quy nhưng lại mang tính vận động, nên sau hơn 2 năm có hiệu lực nhưng hiệu quả rất hạn chế. Không ít cơ quan, ban, ngành, địa phương vẫn tổ chức khá nhiều các hoạt động quá hình thức tốn kém vì phải huy động nhiều người, nhiều lực lượng tham gia các màn sân khấu hóa, đại cảnh hóa, nhiêu khê, tốn kém. Những quy định cụ thể như không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi, liên hoan đã bị bỏ qua… Theo dõi trên truyền hình, khán giả rất sốt ruột vì thấy quá nhiều lễ đón Huân chương của các cấp của doanh nghiêp rình rang tốn kém nhưng vẫn có quan chức về trao Huân chương. Thảo nào “khó siết” các hoạt động này.
Mấy năm gần đây, các hoạt động quy định trong Nghị định 145 được biến tướng theo hình thức “xã hội hóa”. Bằng cách “vận động” doanh nghiêp ủng hộ, đóng góp, nhiều địa phương mặc sức tổ chức các chương trình lễ lạt hoành tráng. Đã có những lời phàn nàn của doanh nghiệp vì phải đóng góp cho lễ lạt của các cấp, các ngành ở địa phương. Được biết, có hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể về “xã hội hóa” để tránh phiền hà, tốn kếm cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Nói đi cũng phải nói lại, không nên có cái nhìn xơ cứng trong “xã hội hóa”. Dịp tết Nguyên đán vừa rồi, bằng cách xã hội hóa, thành phố Hà Nội đã không phải chi tiền mắc hệ thống đèn trang trí trên một số tuyến phố lớn. Có lẽ đây là địa phương đầu tiên thực hiện xã hội hóa một hạng mục trang trí khánh tiết này. Trước đó, nhờ xã hội hóa một số nơi đã tổ chức bắn pháp hoa dịp kỷ niệm Quốc khành và đón tết Nguyên đán…
Chỉ còn một tuần nữa là đến kỷ niệm Quốc khánh. Đã có nơi rục rịch chuẩn bị bắn pháo hoa dù chưa biết trông đợi vào nguồn kinh phí nào ngoài ngân sách. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có bắn pháo hoa ở 2 nơi, tất nhiên kinh phí do doanh nghiệp tài trợ. Tại Hà Nội, UBND đã công bố không tổ chức bắn pháo hoa dịp này dù thành phố hoàn toàn có thể vận động được tài trợ. Tuy chưa có thông tin chính thức, nhưng chắc chắn các tỉnh vừa bị thiệt hại qua 3 cơn bão đầu mùa, các tỉnh miền Trung hứng chịu thảm họa môi trường Formosa cũng không thể tổ chức bắn pháo hoa mừng Quốc khánh.
Các cụ xưa có câu “Kéo giỗ làm chạp” hàm cả hai ý khuyến cáo nên kết hợp để tiết giảm khỏi tốn kém. Nhưng ở vế sau lại là không nên lợi dụng “đắm đò giặt mẹt” gây lãng phí tốn kém.