Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Tiếp tục lùi dự án luật biểu tình

Võ Hải

VNExp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhiều vấn đề quan trọng trong dự luật vẫn còn có ý kiến khác nhau nên chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội.

Sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, đến hết ngày 30/6, Thường vụ Quốc hội nhận được đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 51 dự luật. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, số lượng dự án được kiến nghị đưa vào chương trình năm 2017 nhiều so với khả năng thực hiện.

“Để bảo đảm tính khả thi, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, cần cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ quan điểm, căn cứ lập dự kiến chương trình, xem xét kỹ sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung cơ bản của từng dự án”, ông Thông nói.

Ủy ban đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm xem xét từng dự án và xin báo cáo Quốc hội về một số vấn đề cụ thể, trong đó có dự luật biểu tình. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự án này được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự luật phức tạp, cần có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình.

“Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau, hồ sơ chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào chương trình”, ông Lê Minh Thông nêu.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, với dự luật Bảo vệ thông tin cá nhân, có ý kiến tán thành ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật tiếp cận thông tin. Nhưng một số ý kiến đề nghị chưa nên ban hành mà tiếp tục nghiên cứu, tổng kết làm rõ phạm vi điều chỉnh, nhất là mối liên quan với các luật hiện hành để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh.

Đối với các dự án Luật giáo dục (sửa đổi), Luật tư pháp cho người chưa thành niên, Luật nội địa hóa, Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh, Luật an ninh quốc gia (sửa đổi), Luật tình trạng khẩn cấp, Luật bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật tình báo, Luật bộ đội biên phòng..., Ủy ban Thường vụ cho rằng chỉ là đề xuất ban đầu, chưa có hồ sơ dự án và thuyết minh cụ thể, nên chưa có cơ sở để trình Quốc hội đưa vào chương trình.

“Thường vụ Quốc hội dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 7 dự luật, 2 dự án pháp lệnh, một dự thảo nghị quyết và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 29 dự án luật và một dự án nghị quyết của Quốc hội", ông Thông cho hay.
***

Ngày 26/11/2011, Quốc hội thông qua nghị quyết đưa Luật biểu tình vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.

Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội được công bố giữa năm 2014 cũng đưa luật Biểu tình vào chương trình nghị sự.

Ngày 11/12/2015, báo cáo Thường vụ Quốc hội về tờ trình chuẩn bị kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng 3/2016, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến về dự án Luật biểu tình.

Tại phiên làm việc sáng 17/2/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016).