MTG - Ông già Kerrey đã 73 tuổi, ông ấy có quyền nghỉ ngơi tại quê nhà của ông, nhưng chắc ông muốn làm việc gì đó cho dự án cuối đời để đáp đền những linh hồn nạn nhân mà ông đã gây ra bằng cách gây quỹ cho trường đại học của Mỹ ở Việt Nam.
Ông già Bob Kerry (ảnh) đã 73 tuổi, khuôn mặt nhàu nhĩ xuất hiện trên các trang báo với câu nói: "Lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ là đủ và không thể thay đổi những gì tôi đã gây ra, mà chỉ có thể bù đắp phần nào bằng hành động".
500 năm trước và lâu hơn nữa, Lê Lợi và những bậc tiền nhân đã xây dựng lòng tha thứ thành ngọn Thái Sơn hùng vĩ, và cả sau này ngọn núi đó vẫn vững chắc trong lòng người dân mộc mạc, giản dị.
Trong diễn văn ở tiệc quốc yến đón Tổng thống Hoa Kỳ ông Obama, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu đường lối cốt lõi: "Để có được quan hệ Đối tác toàn diện như ngày hôm nay, hai nước đã phải trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vượt qua hố sâu ngăn cách của hội chứng chiến tranh và những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua. Trong những năm tháng ấy, những người đi tiên phong trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước luôn vững niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn". "Tương lai đang rộng mở và hai nước chúng ta sẽ viết nên những trang sử mới".
Đấy là diễn văn nồng ấm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với một tổng thống Hoa Kỳ sau kết thúc chiến tranh 1975. Những người đi tiên phong ấy là người dân Hoa Kỳ, các giới chức, cựu binh... từng tham gia chiến tranh Việt Nam trong quá khứ đã chung tay để "vượt qua hố sâu ngăn cách, hội chứng chiến tranh và những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua" để tạo ra "niềm tin về một tương lại tốt đẹp hơn", trong đó có Bob Kerry, John McCain thượng nghị sĩ Mỹ, John Kerry, ngoại trưởng Mỹ và nhiều người khác của cả hai quốc gia.
Trong lịch sử Việt Nam, đối đãi với kẻ thù theo tinh thần hòa hiếu cũng có nhiều tấm gương tiên phong. Đơn cử, năm 1416, Lê Lợi từng nói rằng: "Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược". Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi viết về quân cuồng Minh: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ". Tội ác của quân xâm lược nhà Minh ngút trời.
Năm 1427, Lê Lợi cùng các tướng nhà Minh có hội thề ở cửa nam thành Đông Đô. Vương Thông xin hẹn ngày trả đất đai cho nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi sai giải vây thành Đông Quan, kéo quân lui về, cho giải vây thêm 3 thành Tây Đô, Cổ Lộng và Chí Linh; truyền cho nghĩa quân hộ tống các tướng trong 3 thành trên dẫn quân về thành Đông Quan để về Trung Quốc. Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: "Ngày 29, tháng 11 năm Đinh Mùi, Lê Lợi sai Lê Thiếu Dĩnh, Lê Cảnh Quang đem tờ biểu cầu phong của Trần Cảo, cùng các vật phẩm theo viên chỉ huy do Vương Thông sai, sang triều Minh. Các tướng sĩ, người dân căm tức sự tàn ngược của quân Minh, yêu cầu giết đi, Lê Lợi đáp rằng: "Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?".
Sử sách cũng còn chép: "Tháng 12, năm Đinh Mùi, Lê Lợi ra lệnh cánh đường thủy, cấp 500 chiếc thuyền cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận. Cánh đường bộ, cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Ngày 12, tháng 12, Phương Chính, Mã Kỳ tới dinh Bồ Đề cáo biệt Lê Lợi, ở lại suốt một buổi chiều, Lê Lợi sai sắm trâu ngựa, trướng vẽ và lễ phẩm hậu tặng. Ngày 17, Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Vương Thông cùng vua nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình".
Dài dòng thế để thấy, tổ tiên chúng ta từ trước đó đến thời Lê Lợi và sau này đều dựng xây lòng hòa hiếu, niềm tha thứ cao như núi Thái Sơn mà đối phương cũng phải nể trọng.
Trở lại với ông già Bob Kerrey, ông trải qua thật nhiều khó khăn, kể cả từ cái báo cáo không trung thực của ông sau này bị phanh phui. Giết hại 20 phụ nữ và trẻ em tay không tấc sắt là một tội ác và ngày nay nó là lịch sử bằng máu được khắc ghi thành bia tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Sự kiện diễn ra năm 1969, sau này ông Kerrey đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát này.
Tờ Trí Thức Trẻ đã cử phóng viên về Thạnh Phong và phỏng vấn những người còn sót lại trong đợt thảm sát đó. Bà Nguyễn Thị Giang mộc mạc: "Hận mà cả nhà mình cũng không sống lại được thì hận cũng chẳng được gì. Mình không thể như họ được, không thể giết gia đình họ để trả thù. Oán thù thì tôi cũng không muốn giữ lâu. Nhưng mà giận à nghen, ví dụ các ông ấy có vô đây, nói xin lỗi thì gặp mặt họ chắc tôi cũng phải nóng nảy, tức giận, nói họ vài câu đó. Chứ đối diện người đã giết hết người thân mình sao mà không tức, nhưng xong rồi thì cứ tha thứ cho họ". "Chúng tôi không nhớ mặt họ, nhưng nếu họ chân thành, thì đó là chiến tranh, chúng tôi có thể giận họ, nhưng không ai trách họ cả"
Bà Nguyễn Thị Khoe, một nạn nhân may mắn sống sót nói: "Nghĩ lại thì chiến tranh mà, người ta cũng làm nhiệm vụ của người ta, nhưng lúc đó người ta không thương mình thì mình biết làm sao. Giờ hòa bình rồi, đã mấy mươi năm, quên thì không quên được, nhưng nếu cứ khư khư ôm hận như thế thì cũng chẳng ích lợi gì. Cũng như nỗi đau của mình, họ cũng sẽ suy nghĩ về hành động đáng sợ của họ, rồi cũng tự dày vò mình thôi. Cứ để họ tự phán xét họ".
Những người dân như thế quả là "tâm của bậc nhân đức" mà Lê Lợi đã nói đến ở 500 năm trước. Từ đau thương, họ đã dựng lên ngọn núi Thái Sơn về lòng thứ tha mà như ông Obama đã dẫn ca từ của nhạc sĩ Văn Cao: "Từ nay người biết thương người".
Ông già Kerrey đã 73 tuổi, ông ấy có quyền nghỉ ngơi tại quê nhà của ông, nhưng chắc ông muốn làm việc gì đó cho dự án cuối đời để đáp đền những linh hồn nạn nhân mà ông đã gây ra bằng cách gây quỹ cho trường đại học của Mỹ ở Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry từng là cựu binh tham chiến, thượng nghị sĩ John McCain từng là giặc lái, không biết có ai đặt câu hỏi họ đã giết bao nhiêu người? Vị trí của Bob Kerrey thật không như hai cựu binh kia, nhưng nó được cho là nhạy cảm ở chức danh chủ tịch Hội đồng tín thác đại học Fulbright Việt Nam.
Cha ông ta đã xây dựng ngọn Thái Sơn về lòng trắc ẩn với đối phương, người dân trong cuộc cũng bỏ qua đau thương, vậy mỗi người cho thế hệ hôm nay và hậu thế ngày mai cũng nên bồi đắp ngọn núi Thái Sơn thứ tha để lớn mạnh và cường thịnh. Mỗi người một cánh tay, dắt Bob Kerrey lên ngọn núi đó, mỗi người hãy kể một câu chuyện khi có cơ hội chìa tay ra với ông già 73 tuổi đó, chắc chắn ngọn Thái Sơn tha thứ sẽ kiên cường trong mỗi con người để hiểu về gương mặt đầy khổ hạnh đó. Bởi "Từ đây tôi biết quê người, từ đây tôi biết thương người". Hãy cùng thuốc thang cho nhau để vững tin "viết nên những trang sử mới".