VNN - Những tổn thất, tai họa bất ngờ có thể là nỗi đau bất khả kháng của một xã hội.
Nhưng một XH, trong đó nếu bộ máy công quyền, công sở vừa cồng kềnh vừa ít hiệu quả, vấn nạn COCC lũng đoạn và chi phối bởi sự hoành hành của lợi ích nhóm, mà không có cách nào ngăn ngừa, loại trừ, XH đó sẽ đi về phía mặt trời hay phía… hoàng hôn?
“Đất nước những năm tháng thật buồn”, là tên một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ- quan chức tên tuổi- ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên UV Bộ CT. Vì sao ở đỉnh cao quyền lực, mà ông vẫn có những nỗi buồn hóa thành thơ? Vẫn có những Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt/ Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành? Không biết! Chỉ biết bài thơ đó như… ám vào nước Việt những năm tháng này- thật buồn. Khi liên tiếp đất nước có những tổn thất lớn vô cùng đau đớn.
Ngôn từ không đùa với nhà báo
Sau vụ việc hàng tấn cá chết tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có công ty Formosa tọa lạc,khiến cả XH sốc nặng, thì mới đây, cả nước liên tiếp nhận được những thông tin đau buồn. Hai phi công- thượng tá Trần Quang Khải, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường trên chiếc máy bay Su- 30MK2 khi đang luyện tâp, đã bị rơi trên biển. Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường may mắn được ngư dân cứu sống. Còn thượng tá Trần Quang Khải, không may đã hy sinh.
Nước mắt của người thân, đồng đội đại tá Trần Quang Khải chưa kịp khô, thì cả XH lại chấn động một vụ việc còn lớn hơn.
Chiếc máy bay CASA 212, mang số hiệu 8983 bay đi kiếm tìm thượng tá Trần Quang Khải, có 09 người, cũng đã mất liên lạc từ ngày 16/6 đến nay.Sau những nỗ lực tìm kiếm, được biết, mới đây Bộ Quốc phòng thông báo, khẳng định máy bay Su-30MK2 bị rơi ở Đông bắc đảo Hòn Mắt và CASA 212 rơi cách đảo Bạch Long Vĩ 30km. Cả 09 người phi hành đoàn đã hy sinh.
Khỏi phải nói, cả XH như thế nào. Nước mắt khóc cho người lính hóa ra không chỉ có thời chiến, mà ngay cả giữa thời bình. Mặn đắng. Xót xa quá!
Cũng chính vì thế, mà trong dịp kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam 21/6, cả làng báo có lẽ bất ngờ trước một vụ việc. Nhà báo Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP. HCM tại Hà Nội, chủ trang Diễn đàn Nhà báo trẻ trên trang mạng XH đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Mai Phan Lợi cũng là một trong 06 người đại diện cho một số tổ chức XH dân sự gặp TT Mỹ Obama ở Hà Nội, trong thời gian TT Mỹ thăm Việt Nam.
Vì sao? Trước đó trên diễn đàn, Mai Phan Lợi tổ chức thảo luận về vụ việc máy bay CASA 212, với mục đích thăm dò dư luận. Nói thật, người viết bài khi đọc đã trố mắt, ngỡ ngàng, và nhăn mặt, bởi một số khái niệm quá… phản cảm, thậm chí “lạnh”, nhẫn tâm một cách vô ý thức. Nhất là tiêu đề “Vì sao CASA tan xác?”. Và trong 07 nội dung thảo luận, có một nội dung võ đoán, thiếu căn cứ thực tiễn:Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật?
Cho dù, về thực chất, CASA bị tai nạn, thì khó lòng còn nguyên vẹn hình hài. Nhưng trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam giàu có, liệu có thiếu không những từ ngữ để mô tả vụ việc thương tâm và đau đớn này? Xưa nay, một từ ngữ, một cụm từ dành để nói về người đã khuất, hoặc một vụ tai nạn, với văn hóa và đạo lý người Việt, đòi hỏi vô cùng cẩn trọng. Nữa đây là một tổn thất bất ngờ của đất nước. Trước sinh tử của chục người lính. Trước nỗi bất hạnh, mất mát của hàng chục gia đình, dòng họ. Sự vô ý thức đã chạm tới tận cùng nỗi đau dư luận, biến thành cơn tức giận.
Chưa kể trong yêu cầu thảo luận của diễn đàn, nội dung võ đoán, mang tính suy diễn cũng là điều khó chấp nhận với một nhà báo chuyên nghiệp, buộc phải nắm vững những nguyên tắc về nghiệp vụ điều tra, khó có thể chấp nhận những phỏng đoán hàm hồ hoặc nông nổi.
Khỏi phải nói hàng loạt bài báo, ý kiến kết luận về Mai Phan Lợi cũng… nặng đòn không kém.
Cho dù nếu đọc trên trang mạng của diễn đàn, Phan Mai Lợi đã thành thật xin lỗi: Tối hôm qua khi làm một cuộc khảo sát ý kiến các thành viên Diễn đàn về nguyên nhân máy bay rơi xuống biển, tôi có sử dụng ngôn ngữ không chính xác, gây tổn thương tình cảm anh em. Được một số thành viên góp ý, tôi đã sửa chữa và sau đó quyết định xoá poll thăm dò ý kiến này do nhiều thành viên đã thêm vào các phương án không thích hợp.
Bằng stt này tôi chân thành xin lỗi mọi người, quyết không thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến và sử dụng ngôn ngữ quá nhạy cảm như vậy nữa.
Và mới đây, Mai Phan Lợi đã có lời trên diễn đàn, muốn được nói lại, khi cho rằng, có những nội dung nhạy cảm Mai Phan Lợi không hề đưa vào.
Nhưng đã không kịp nữa rồi, Một lời trót đã nói ra/ Dẫu cho ngựa Tứ cũng là khó theo. Thế cho nên, vạ từ miệng vạ ra.
Sự phát triển của thế giới phẳng là một bước tiến vĩ đại của lịch sử cùng sức mạnh khoa học công nghệ loài người. Ở đó sự xuất hiện các trang mạng XH là một ứng dụng kỳ diệu cho con người có khả năng tương tác toàn cầu. Nhưng việc sử dụng những trang mạng XH tốt xấu, hay dở ra sao, tùy thuộc vào cách sử dụng, phản chiếu tức thời “phông” văn hóa, trình độ học thức của mỗi người.
Vì thế mà không chỉ có vụ Mai Phan Lợi, những ngày qua các trang mạng XH cũng xôn xao so sánh bi hài về một quan chức cao cấp dùng từ “chúc anh an giấc ngàn thu”với người lính đã mất.
Trước đó, dư luận các trang mạng XH hết sức bất bình, bức xúc và cũng thấy bi hài,bởi bài viết của một tờ báo mạng, với nhan đề khá bất ngờ: 'Nghề phóng viên là phải như con chó ấy' (Petrotimes, ngày 10/6).
Bài báo này dẫn chứng rất nhiều ví dụ, chỉ để tâm đắc với một suy nghĩ, nhà báo phải trung thành với chủ, phải được rèn luyện dạy dỗ như loài chó.
Chỉ xin bàn chút về nội dung.
Đúng là trong cuộc sống, nhất là ở những nước văn minh, người ta quý chó vô cùng. Vì đó là loài vật có sự nhạy cảm khác thường, đặc biệt trung thành, thủy chung, tận tụy vô bờ bến với chủ- những đức tính mà ở thời kim tiền này, có lẽ hơn khối kẻ được gọi là con người.
Nhưng vấn đề là tác giả có sự nhầm lẫn cơ bản, từ tư duy.
Cho dù là loài vật trong hành động tỏ ra có hệ thần kinh cao cấp, nhưng nhận biết giống loài vẫn là phản xạ có điều kiện. Còn con người có nhận thức trên cơ sở tư duy, và thực tiễn để biết phân biệt đúng sai. Vì thế mà nhiệm vụ của nhà báo không thể thiếu, bên cạnh sự tôn vinh cái đẹp, cái tử tế, là phản biện cái sai, cái dở, lên án kẻ xấu, kẻ tồi tệ, kẻ tiếp tay cho những cái xấu phá hoại XH này. Không thể nhắm mắt mù quáng, biến đen thành trắng, biến sai thành đúng, biến xấu thành tốt, biến tội phạm thành anh hùng, dù với bất cứ động cơ gì, dốt nát, nô lệ hay gi gỉ gì gi…
Người xưa nói chẳng sai, văn học là nhân học.
Người làm sao, văn làm vậy.
Thi sĩ Xuân Diệu từng có câu: Cơm áo không đùa với khách thơ.
Còn ở thời thế giới phẳng này, ngôn từ không đùa với nhà báo.
Mặt trời hay… hoàng hôn?
Có hai vấn đề bỗng nổi lên trong tuần, đứng cạnh nhau, vậy mà cũng hấp dẫn dư luận chẳng kém nhau, dù không hề mới.
Nhưng ở nước Việt mình, mới mà rất cũ, và cũ mà rất mới. Thế mới lạ. Bởi chuyện cũ không giải quyết được dứt điểm, triệt để nên cũ hay mới vẫn cứ nóng hôi hổi vừa thổi vừa bàn. Vì cái cũ, cái mới này liên quan đến chất lượng cán bộ công chức, cải cách hành chính, một vấn đề sống còn trong phát triển.
Vấn đề thứ nhất, là gánh nặng biên chế. Trong đời cầm bút, người viết bài đã từng nghe rất nhiều dịp nhà nướcbàn chuyện này. Đến nỗi từ lúc tóc còn xanh, nay đã hoe hoe đầu bạc, vẫn thấy bàn tiếp. Như cuộc cờ… chẳng chịu tàn.
Mà tàn làm sao được, nếu biết gánh nặng đó đang trở nên nặng quá.
Theo bà Phạm Chi Lan, bộ máy nhà nước hiện có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì lên tới 11 triệu người.
Trong khi đó, nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần Việt Nam, dân số gần gấp 04 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Trung Quốc là nước đông dân, nhưng đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Tính ra, ở Mỹ, 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó ở Việt Nam, 40 người dân phải nuôi một công chức.
Trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72%. Khoảng 30% trong đó dùng để trả nợ, còn đầu tư cho phát triểnchỉ vào khoảng 17% (VietNamNet, ngày 09/6).
Chưa kể trong số công chức đó đã được định giá, 30% sáng cắp ô đi tối cắp về.
Nhưng một đặc điểm lớn của bộ máy hành chính của nước Việt là bên cạnh chính phủ, còn có các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội, hiệp hội và Mặt trận Tổ quốc. Chả thế, TS Tô Văn Trường gọi là có 03… chính phủ. Hoặc Nhà nước “3 trong 1”.
Đặc biệt nữa, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội, hiệp hội này cũng được “nhà nước hóa” về cơ cấu tổ chức ban ngành, và cũng hưởng ngân sách nhà nước. Số ngân sách này không hề nhỏ.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính), nếu tính đủ cả chi phí kinh tế- XH, gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.
Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể, hội, hiệp hội này tương xứng ra sao? Ai có thể trả lời được câu hỏi này không?
Vấn đề thứ hai, là vấn nạn con ông cháu cha, là một người làm quan cả họ được nhờ.
Nếu so với hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ của ông chủ tịch huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ồn ào, ầm ĩ ngày nào thì, so với các hiện tượng COCC gần đây báo chí liên tục phanh phui, vụ Mỹ Đức chỉ là muỗi so với… voi. Chứng tỏ vấn nạn COCC là mang tính phổ biến, (và về quy mô, độ phức tạp tinh vi, đầy thủ đoạn thì ăn đứt)ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh lên …. lợi ích nhóm.
Đã có những tiếng nói của nhiều bạn đọc như ở báo Tuổi trẻ, nhấn mạnh cho rằng, Dẹp nạn COCC cần sự thấu hiểu liêm sỉ trong mỗi người (Tuổi trẻ, ngày21/6).
Rằng, bên cạnh pháp luật vẫn phải cần đến sự song hành của văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản trị, văn hóa gia đình trong công cuộc gìn giữ giềng mối xã hội.
Rằng, trước khi xã hội có pháp luật thì gia đình đã có gia quy. Trong mỗi nếp nhà tử tế người ta không bao giờ dạy con cái thói ăn cắp những thứ không phải là của mình.
Điều đó không hề sai, giáo dục gia đình ngàn đời vẫn chứng tỏ là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng trí tuệ, phẩm cách con người. Không có nếp nhà lấy đâu ra nết người?
Thế nhưng ở tầm XH vĩ mô rộng lớn, việc điều chỉnh hành vi,phẩm hạnh của con người không thể chỉ trông cậy vào đức hạnh từ giáo dục gia đình, đang ngày càng trở nên mong manh giữa một XH kim tiền ồn ào xô bồ và tàn nhẫn, mà phải được điều chỉnh, răn đe bằng chính những quy định và chế tài pháp luật duy lý, không duy tình.
Bởi với không ít kẻ, có vị thế chiếc ghế quyền lực, thì sự thấu hiểu về liêm sỉ trở nên yếu ớt, nhợt nhạt so với sự thấu hiểu sức mạnh vô biên của đồng tiền trong cuộc chạy “đấu thầu cán bộ”, khi mà có 300 lạng việc này mới xuôi.
Người viết không kiến nghị các giải pháp. Bởi đã có quá nhiều ý kiến các chuyên gia đề xuất việc xóa bỏ biên chế, thay vào đó là chế độ ký hợp đồng. Không bàn các giải pháp quản trị công khai minh bạch và pháp luật thượng tôn bởi đã nói quá nhiều.
Chỉ tự nghĩ, những tổn thất, tai họa bất ngờ có thể là nỗi đau bất khả kháng của một xã hội.
Nhưng một XH, trong đó nếu bộ máy công quyền, công sở vừa cồng kềnh vừa ít hiệu quả, vấn nạn COCC lũng đoạn và chi phối bởi sự hoành hành của lợi ích nhóm, mà không có cách nào ngăn ngừa, loại trừ, XH đó sẽ đi về phía mặt trời hay phía… hoàng hôn?