Đất Việt - Các nghị sĩ Đài Loan lên tiếng về Formosa chỉ để tham khảo, quan trọng là Việt Nam cần chủ động, có trách nhiệm với các quy định về môi trường.
Đài Loan cảnh báo quá muộn
Liên quan đến việc các nhà hoạt động môi trường, nhân quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã cùng kêu gọi chính quyền phải thắt chặt các quy định về môi trường đối với các công ty Đài Loan khi đầu tư ra nước ngoài, sau khi tranh cãi về việc có thể nhà máy thép của Formosa Plastics Group (FPG) tại Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng đây là việc làm cần thiết hiện nay với các doanh nghiệp.
“Tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị trên. Muốn đầu tư ra nước ngoài, muốn bảo đảm được lợi ích mà doanh nghiệp không nâng cao tiêu chuẩn môi trường thì không thể tồn tại cũng như duy trì được tính cạnh tranh tại thị trường đầu tư được.
Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có Đài Loan chắc chắn đều mang lại lợi ích lớn. Bằng chứng là hàng năm họ cũng mở rộng, tăng thêm vốn, đầu tư, tức là lợi ích rõ ràng. Việc này vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của nhà nước”, GS.TS Đào khẳng định.
Theo vị chuyên gia, tuyên bố trên của giới nghị sĩ Đài Loan là đáng hoan nghênh nhưng so với lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghiệp nước này thì vẫn còn chậm trễ và chưa đáp ứng được tính cấp thiết.
“Qua câu chuyện nghi vấn Formosa gây ô nhiễm xả thải ở Vũng Áng mà đặt ra vấn đề đó là hơi muộn. Vì Đài Loan có nền công nghiệp khá phát triển, đạt kết quả tốt, đáng lẽ từ lâu phải đặt ra vấn đề bảo đảm môi trường.
Việc các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, dư vốn rồi tìm cách đưa công nghệ lạc hậu, có tác động, ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường vào các nước khác thì không thể chấp nhận được”, GS.TS Đào nhấn mạnh.
Cùng đưa ra nhận định về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, tuyên bố của các nghĩ sĩ Đài Loan đưa ra cho thấy vấn đề ý thức của những người có trách nhiệm trước vấn đề ô nhiễm tại Việt Nam.
“Đây là một vấn đề nhạy cảm. Việc Việt Nam chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Chúng ta cũng cần cảnh giác xem động cơ, mục đích của họ là gì, có mâu thuẫn gì không? Các nghị sĩ Đài Loan tuyên bố vậy vì bản lĩnh, động cơ chân chính hay vì mục đích khác”, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.
Quan trọng ở Việt Nam là...
Từng có dịp tiếp xúc, chứng kiến nhiều bài học kinh nghiệm khi doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, GS.TS Đặng Đình Đào thừa nhận từ tuyên bố để đi vào thực tế là vô cùng khó khăn. Việc này không chỉ phụ thuộc vào phía các nghị sĩ Đài Loan mà ở chính các doanh nghiệp nước này khi đầu tư, mở rộng thị trường vào Việt Nam.
“Yêu cầu như vậy nhưng nhà đầu tư có làm, có thực hiện được cái đó hay không lại là một chuyện khác? Hay các doanh nghiệp Đài Loan lại xuất hiện tư tưởng đối với những nước nghèo, chậm phát triển, cần vốn, cần đầu tư thì sẵn sàng thải những công nghệ lạc hậu đưa các nước, sang Việt Nam”, GS.TS Đào đặt câu hỏi.
Theo vị chuyên gia, ở các nước công nghiệp phát triển như liên minh châu Âu, đặc biệt là Mỹ có sự đồng bộ cao về máy móc, trang thiết bị, công nghệ xử lý môi trường, việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư gây ô nhiễm, tác động đến xung quanh rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, khi những đánh giá về tác động môi trường cho kết quả xấu thì chính quyền sở tại sẽ chiếu theo quy định của pháp luật để xử lý nghiêm, chẳng hạn phạt nặng hoặc có thể cấm đầu tư.
So sánh với Việt Nam, vị chuyên gia thừa nhận, chúng ta đang tồn tại rất nhiều những kẽ hở, đặc biệt là tư tưởng thu hút đầu tư bằng mọi giá mà bỏ qua các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường.
“Formosa từng gây khá nhiều bê bối về đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng đến môi trường của các nước suốt thời gian qua. Chúng ta cũng có nhiều bài học đắt giá với doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc với công nghệ giá rẻ, lạc hậu, Trong đó phải kể đến hàng loạt nhà máy xi măng sử dụng công nghệ lò đứng kém chất lượng, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên...
Đây là lỗi của Việt Nam, thu hút đầu tư, rải thảm bằng mọi giá nên nhiều lúc doanh nghiệp nước ngoài đẩy công nghệ nào cũng chấp nhận. Rồi sau đó chúng ta coi đó là một thành tích lớn mà không biết rằng quyết định trên sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn cho tương lai”, GS.TS Đào phân tích
Về giải pháp khắc phục, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng, chúng ta cần chú trọng hơn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, làm một cách bền vững và đặc biệt phải đề cao công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn châu Âu để giảm thiểu đến mức thấp nhất những hậu quả về môi trường có thể gây ra.
Trước lời đề nghị trợ giúp phía Việt Nam để xác định nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung từ các nghị sĩ Đài Loan, GS.TS Đào nhận định, chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc để lựa chọn phù hợp.
“Họ có thể tham gia bằng nhiều cách như: bằng con người, bằng công nghệ, bằng tài chính để điều tra nguyên nhân cá chết. Chúng ta phải nắm cái đó. Nếu phía Đài Loan có một ý kiến gì đó đột phá thì chúng ta cũng cần hoan nghênh. Đấy là trách nhiệm của họ, phía Việt Nam cũng không nên từ chối.
Hoặc những tài liệu về môi trường của Formosa, họ cung cấp đầy đủ những thông tin đó thì cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ điều tra”, GS.TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.