Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Quyền của người tù

Khương Duy

VNExp - Câu chuyện phạm nhân Anders Behring Breivik khởi kiện chính phủ Na Uy về điều kiện lao tù và giành chiến thắng đã dấy lên những ý kiến trái chiều. Breivik đang thụ án 21 năm vì tội giết người hàng loạt xảy ra năm 2011, làm 77 người chết và 96 người khác bị thương.

Nhìn vào điều kiện giam giữ mà Breivik được hưởng, nhiều người sẽ không thể hiểu tại sao nhà nước Na Uy lại dành cho một kẻ phạm trọng tội điều kiện giam giữ như thế. Phòng giam là một “căn hộ” nhỏ sạch sẽ, giường trải chăn đệm, cửa sổ có rèm, nhà vệ sinh khép kín, thậm chí có cả máy tính. Tiện nghi của phòng giam ấy là mơ ước của quá nửa dân số trên hành tinh. Với một điều kiện giam giữ như thế, một kẻ như Breivik liệu còn có thể phàn nàn điều gì?

Breivik đã khởi kiện chính phủ Na Uy về việc bị biệt giam, cũng như cho rằng nhà tù đã tước đoạt quyền được liên lạc của anh ta. Trong hai cáo buộc này, tòa án chỉ đồng ý với cáo buộc thứ nhất, theo đó việc biệt giam phạm nhân 22-23 giờ mỗi ngày và việc đánh thức phạm nhân lúc nửa đêm để rà soát trong một thời gian dài bị xem là vi phạm Điều 3 Công ước châu Âu về Nhân quyền. Với phán quyết này, điều kiện giam giữ Breivik sẽ được cải thiện và nhà nước có trách nhiệm trả chi phí pháp lý của bên thắng kiện, lên đến 40.000 USD.

Không chỉ khó hiểu, một số người dân Na Uy, châu Âu và nhất là dư luận ở những nước ngoài châu Âu thấy phẫn nộ. Sự phẫn nộ khi kẻ thủ ác không phải đền mạng 5 năm trước tưởng như đã lắng xuống nay lại trỗi dậy khi kẻ đó đưa ra yêu sách về nhân quyền và lại giành chiến thắng. Một câu hỏi không phải không có lý được đặt ra: nhân quyền của kẻ sát nhân được đảm bảo, vậy nhân quyền của những người đã chết dưới họng súng của hắn thì sao?

Song nếu hiểu được một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật châu Âu, có lẽ chúng ta sẽ cảm thông và khâm phục Na Uy hơn trước phán quyết này. Thứ nhất, gần như trong bất cứ vụ án nào khi tòa án phải cân nhắc các quyền lợi và giá trị là đối trọng của nhau - thí dụ, ở đây một bên là quyền của nhà nước trong việc trừng phạt kẻ có tội, một bên là nhân quyền của người tù - thì nhân quyền hay “giá trị căn bản của một xã hội dân chủ” sẽ được ưu tiên hơn. Thứ hai, tòa án độc lập trong xét xử, không chịu sức ép của chính quyền và nhất là không xử theo cảm tính của dư luận. Có thể thấy qua động thái này, Na Uy muốn khẳng định rằng dù trong hoàn cảnh nào, dù tình huống có khó khăn tới đâu, tòa án vẫn giữ vững nguyên tắc tư pháp độc lập và thượng tôn pháp luật.

Tất nhiên, cũng sẽ có ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay khi tình trạng khủng bố đang đe dọa sự ổn định của châu Âu, tòa án nên có lựa chọn phù hợp hơn thay vì khăng khăng giữ nguyên tắc bất di bất dịch của mình. Song, nếu nhìn từ một giác độ khác, chính các “giá trị căn bản của một xã hội dân chủ” mới là thứ còn lại sau vụ việc này và sau mọi sự bất ổn trong mấy năm gần đây. Đó là thứ mà Na Uy đang ra sức bảo vệ chứ không phải một người tù phạm tội dã man.

Xây dựng một xã hội dân chủ tôn trọng nhân quyền đã khó, bảo vệ nó lại càng khó hơn. Vụ việc này khiến tôi nhớ lại sự phẫn nộ trong dư luận Việt Nam khi kẻ sát nhân Lê Văn Luyện không bị tử hình. Nhiều người phản đối tòa án, thậm chí kêu gọi một mức án ngoài pháp luật để trừng trị tội ác đích đáng mà không biết rằng họ đang đi ngược lại với nguyên tắc thượng tôn pháp luật, dân chủ, nhân quyền mà những lúc khác họ hằng ủng hộ. Chúng ta dễ chấp nhận các mỹ từ đó trong một điều kiện bình thường, nhưng sẽ rất khó chấp nhận chúng khi mà việc tôn trọng các giá trị đó trở nên đau đớn như lựa chọn của Na Uy.

Na Uy đã cho thấy thái độ nhất quán của mình - họ tôn trọng pháp luật, dân chủ, nhân quyền trong những lúc vui sướng; nhưng cũng kiên quyết bảo vệ nó trong những lúc khổ đau. Họ chấp nhận cái giá 40.000 USD cũng như sự bất bình của không ít người để đảm bảo rằng, sau này sẽ không có thế lực nào nhân danh tình huống, hoàn cảnh để hạn chế những giá trị căn bản ấy. Cái ác đã cướp đi sinh mạng của 77 con người, nhưng họ sẽ không để cái ác tiếp cướp đi giá trị cao quý của xã hội đã mất hàng trăm năm xây dựng.

Cho nên dù về mặt cảm xúc tôi không vui với kết quả này, nhưng tôi phải thừa nhận đây là một phán quyết can đảm.