Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

“Bạch tuộc” đa cấp tàn phá buôn làng Tây Nguyên

NHÓM PV LAO ĐỘNG

LĐO - Ngay sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ủy quyền cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai xử phạt 2 công ty kinh doanh bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 246 triệu đồng, Cty Thiên Ngọc 3 (là một trong 2 công ty kể trên) đã đóng cửa, trả lại trụ sở cho thuê (ảnh phải) khiến rất nhiều người dân liên quan đến mạng lưới của công ty này như ngồi trên lửa. “Bạch tuộc” đa cấp đã vươn vòi quấn lấy các bản, làng với lời quảng cáo đầy ma mị - không làm mà vẫn có tiền. Kon Tum, Gia Lai đang quay cuồng vì đa cấp biến trướng.

Sập bẫy “tiền thưởng”

Phát hoảng với con số 4.170 người tham gia sau thống kê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - Nguyễn Đức Tuy - buộc phải ký văn bản 2641 gửi Bộ Công Thương về sự “bành trướng” của mô hình đa cấp. Kon Tum lại nằm trong số 27 tỉnh mà Bộ Công an ủy thác cho Công an địa phương điều tra về nạn đa cấp. Dù muốn hay không, Kon Tum cũng phải nêu thực trạng rất nhiều viên chức, công chức, giáo viên đã và đang tham gia mô hình này. Nhiều công ty còn mớm lời dụ dỗ, lôi kéo người đồng bào dân tộc thiểu số cùng tham gia.

“Người dân không tin số tiền thưởng gấp hàng nghìn lần số tiền lãi gửi ngân hàng, nhưng khi một người có uy tín ở địa phương mua hàng, tham gia mạng lưới của cái Cty Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) thì dân đồng loạt làm theo” - ông A Hùng (thôn Đắk Đoát, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum) thở dài, kể. 

Công ty này đã cài cắm người ở địa phương làm “đại lý môi giới” để tạo “lòng tin”. Một ngày đẹp trời, A Nuông - áo vét bảnh bao, cặp sách láng bóng - giới thiệu là Trưởng phòng kinh doanh Cty TNMU, chào mời mua nồi cơm điện, bếp từ, mỹ phẩm… 5 triệu đồng/sản phẩm, rỉ rả rằng sau 2 năm thôi, sẽ có 41 triệu đồng được nhận về. Cứ giới thiệu một người mua hàng sẽ được “thưởng” thêm 1 triệu đồng. Sau đó, thấy A Nâu và A Krõ mỗi người lĩnh 41 triệu đồng, người dân bắt đầu có lòng tin, ham muốn. 

Bà Y Đinh (cùng buôn) mua bình lọc nước Ô Zôn 11 triệu đồng, dù thị trường giá chưa đến 2 triệu đồng. Bà nhẩm tính, sẽ được thưởng hơn 40 triệu đồng, trừ tiền đã mua thì sẽ lời được 29 triệu đồng. “Số tiền đó bằng gần 10 năm làm rẫy” - bà Y Đinh bình thản nói.

Một người có chức sắc trong buôn là A Vơi bỏ ra 30 triệu mua hàng, sau đó, cũng được nhận thưởng. Thế là người dân đồng loạt bán gà heo, dùng tiền tiết kiệm tham gia. A Vơi lắc đầu nói, tiền thưởng cũng dốc vào mua hàng, nhưng lâu rồi không thấy nhận thưởng.

Huyện Đắk Glei đã có 152 hộ dân tham gia mua hàng đa cấp. Một nồi nồi cơm điện giá 4,5 triệu đồng, hai nồi áp suất 11,7 triệu đồng... Có người mua nhiều mặt hàng với số tiền 260 triệu đồng. Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei - Nguyễn Văn Sơn, ngao ngán: “Sau kiểm tra, phát hiện các mặt hàng là của Trung Quốc, Đài Loan có giá 900.000 đến 1 triệu đồng”. Và chuyện A Nâu, A Krõ nhận mấy trăm ngàn để vờ nhận là được Cty thưởng 41 triệu không phải ai cũng được biết.

Cty TNHH Thương mại Lô Hội thì tung chiêu bài độc hơn: Đưa “đi học đại học”. Nhiều nạn nhân đi biền biệt mấy năm trời, lúc trở về chính quyền mới tá hỏa là đi đào tạo để bán hàng đa cấp.

Y Thư (SN 1995, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được một người phụ nữ dụ dỗ ra TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) học “đại học”. Giấy tùy thân chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, học phí không phải đóng. Y Thư đã không được học điều dưỡng mà được đưa vào một “Trung tâm học về tư tưởng làm giàu”.

Mất 70 triệu đồng mua hàng, rồi được dạy cách tìm người mua hàng. Nhân viên công ty mớm lời “nếu không bán được, mang về bán cho người thân, họ hàng trong gia đình”. Chán nản, Thư bỏ về buôn làng. Hỏi tiền lấy lại được không? Y Thư rầu rĩ: “Tiền gia đình vay mượn đó. Mất hết rồi”.

A Khi (xã Đắk Long, huyện Kon Plông) bị cài cắm có nhiệm vụ dụ dỗ các thanh niên đóng 10 triệu để học “đại học”. Chẳng cần giấy tờ gì sất, cứ nộp tiền là được đi học.

Trưởng Công an huyện Kon Plông - đại tá Trần Duy Liên cho biết, chiêu trò lừa đảo ngây ngô vậy, thế nhưng cũng không ít nạn nhân của xã Đắk Long sập bẫy. Đây là một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ mặt của A Khi đã lộ nguyên hình là cựu sinh viên trường Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại Kon Tum. Từ khi tham gia đa cấp A Khi đã bỏ học, ra TP.Huế “học làm giàu” rồi dụ dỗ bạn bè tham gia cùng.

Theo điều tra của Công an tỉnh Kon Tum, Cty TNMU nằm ở địa chỉ A6/D11+A7D11/Đồng Bông, P.Dịch Vọng Hậu. Q.Cầu Giấy, Hà Nội, còn Cty Lô Hội có trụ sở tại 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Glei - Nguyễn Văn Sơn nói thẳng: “Lừa đảo rõ ràng. Người ta “đánh” vào lòng tham của người dân mua hàng để chờ tiền thưởng”.

Tiêu cực

Mô hình kinh doanh đa cấp từ Kon Tum tràn sang Gia Lai hoạt động biến trướng, gây nhiều khó khăn cho tỉnh này. Từ đơn tố cáo của người dân, Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai xử phạt Cty CP Đầu tư - Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (địa chỉ 89/Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku, Gia Lai) 240 triệu đồng; cơ cở kinh doanh Thiên Ngọc 3 (địa chỉ 199F/Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku) 6 triệu đồng. Theo điều tra của PV Báo Lao Động, sau khi bị phát hiện xử phạt, Cty Thiên Ngọc 3 đã đóng cửa, trả lại trụ sở thuê. Chủ nhà tên Hùng (TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết, Cty Thiên Ngọc 3 đã hoạt động hơn 3 năm với trụ sở thuê trên, mỗi ngày có trên 100 người đến giao dịch. “Sau một thời gian bị xử phạt, họ nói rằng Cty làm ăn “phát đạt” với hàng ngàn nhân viên nên cần trụ sở lớn hơn để hoạt động” - ông Hùng thông tin.

Trong khi đó, Cty Phúc Gia Bảo 68 vẫn mở cửa hoạt động, núp bóng đại lý bán càphê. Trong danh sách đăng ký hoạt động tại Sở Công Thương Gia Lai, không hề có công ty này. Bất thường, khi 23 đơn vị đăng ký kinh doanh, chỉ có 5 công ty cung cấp địa chỉ trụ sở hoạt động. Còn mặt hàng hoạt động buôn bán chủ yếu là kim khí điện máy, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, càphê, trà... Từ đó, “núp bóng” kinh doanh để tiêu thụ hàng lậu, kém chất lượng.

Trong cuộc trao đổi với Lao Động, Sở Công thương Gia Lai thừa nhận, các đối tượng bán hàng đa cấp đã cung cấp thông tin gian dối, sai lệch về tính chất, chất lượng và công dụng của sản phẩm, dụ dỗ người khác tham gia và ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lướng sản phẩm... Tương tự, tỉnh Kon Tum trong văn bản 2641/UBND-KTN gửi Bộ Công Thương khẳng định, các Cty đa cấp hoạt động ở tỉnh này có dấu hiệu bất thường, biến trướng. Mạng lưới kinh doanh xâm nhập vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo “bỏ vốn đầu tư ít, thu lãi “khủng”; không cần làm việc vẫn có tiền thu về hàng tháng”.

Công văn 2641 nêu thực trạng: “Sau khi bỏ tiền mua các sản phẩm, tham gia chương trình không ít người dân phát hiện kém chất lượng, không thiết thực với đời sống, khoản tiền đầu tư thành nợ khó đòi và không thu lại được”.

Quản lý khó khăn (!?)

Với bất cập trên, Kon Tum và Gia Lai nhận định, trong thời gian tới tình hình đa cấp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Bởi hình thức hoạt động chủ yếu qua điện thoại, truyền miệng, hội nghị, hội thảo, không có trụ sở và hợp đồng thỏa thuận chỉ có 2 bên rất khó khăn cho việc chính quyền quản lý, kiểm tra. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) được xem là đơn vị “tiếp tay” cho loại hình đa cấp biến trướng hoạt động khi chấp thuận giá các mặt hàng cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Trong khi đó, chính đơn vị này lại “độc quyền” vấn đề xử phạt mà không giao thẩm quyền cho các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương.

Thật vậy, hình thức xử lý mà hai tỉnh này thực hiện chỉ là xử phạt hành chính: Gia Lai phạt 246 triệu đồng; Kon Tum phạt 54,7 triệu đồng). Thế nên không thể nói là đủ sức răn đe, ngăn chặn sự bành trướng theo hướng tiêu cực của mô hình này.

Từ đó, hai tỉnh này đề nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ bổ sung, sửa đổi một số nội dung tại Nghị định 71/2014NĐ-CP theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt cho địa phương; Bổ sung, sửa đổi nội dung tiền ký quỹ theo quy định Điều 29 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Đồng thời, đề xuất Ban chỉ đạo 389 quốc gia mở rộng chuyên án điều tra các đường dây, ổ nhóm kinh doanh đa cấp chiếm đoạt tài sản của người dân.

Quy định rất rõ, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề quản lý hoạt động đa cấp. Vậy nhưng, đến bao giờ cơn mê đa cấp biến trướng mới không đè nặng lên người dân? Câu hỏi này xin nhường Bộ Công Thương trả lời.
***

Gia Lai xử phạt hai công ty đa cấp 246 triệu đồng

Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai cho biết đến ngày 2.3, đã tiến hành xử phạt hai Cty kinh doanh bán hàng đa cấp với số tiền 246 triệu đồng. Theo đó, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã ủy quyền cho Chi cục QLTT Gia Lai xử phạt Cty CP Đầu tư - Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (địa chỉ 89/Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku, Gia Lai) 240 triệu đồng. Riêng cơ cở kinh doanh Thiên Ngọc 3 (địa chỉ 199F/Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku) thuộc thẩm quyền Chi cục CQLTT xử phạt 6 triệu đồng. Quá trình kiểm tra đột xuất, Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Gia Lai) phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế (CA TP.Pleiku) phát hiện hai Cty này hoạt động kinh doanh mô hình đa cấp các mặt hàng kim khí điện máy, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, càphê, trà có dấu hiệu tiêu cực. Đồng thời có dấu hiệu núp bóng đại lý để trục lợi cá nhân, bán hàng nhập lậu và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Theo điều tra của PV Báo Lao Động, sau khi bị phát hiện, xử phạt, Cty Thiên Ngọc 3 đã đóng cửa, trả trụ sở thuê. Riêng Cty Phúc Gia Bảo 68 vẫn mở cửa hoạt động, núp bóng đại lý bán càphê. Đ.V
***

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Không thể nói là chính quyền địa phương không hay biết...

Hàng loạt vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp với phạm vi rộng và quy mô lớn xảy ra ở nhiều địa phương, mức độ thiệt hại đã lên tới hàng tỉ đồng, khiến nhiều gia đình ly tán. Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thừa nhận, Nghị định 42 còn nhiều kẽ hở, tới đây Bộ Công Thương phải rà soát lại những quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tế

Thưa ông, dư luận đang đặt nhiều nghi vấn vì sao Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Cty Liên kết Việt, nhưng lại không công khai các sai phạm của Cty này để người dân không tiếp tục mắc bẫy?

- Sau khi cấp phép cho Cty Liên kết Việt từ tháng 12.2014 thì đến ngày 15.7.2015, tức là chỉ 7 tháng sau khi phát hiện có những dấu hiệu vi phạm của Cty này, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) đã vào cuộc, tổ chức đoàn kiểm tra hậu kiểm. Quá trình điều tra đã xác định Cty Liên kết Việt có 5 vi phạm mà Cục QLCT đã thông tin đến các cơ quan báo chí, như: Cty đã vi phạm việc thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số địa phương; Cung cấp các thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm; Không giám sát thường xuyên hoạt động của mạng lưới kinh doanh, cụ thể là người tham gia bán hàng đa cấp... Cục QLCT đã quyết định xử phạt Cty này 570 triệu đồng, đồng thời công bố công khai hành vi và việc xử phạt trên website của Cục. Tuy nhiên, tại thời điểm hậu kiểm của Cục QLCT, các hành vi nói trên chưa đủ căn cứ để rút giấy phép hoạt động của Cty. Quá trình xử lý vi phạm của Cty này, Cục QLCt đều phối hợp với cơ quan điều tra, cụ thể có thành phần C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) tham dự và đến tháng 11.2015 đã yêu cầu lãnh đạo Cty Liên kết Việt không đi khỏi địa bàn, tháng 12 tiến hành bắt tạm giam một số đối tượng lừa đảo.

Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với người dân đa số là dân nghèo ở 27 tỉnh, thành phố, ông nhìn nhận trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh tranh như thế nào?

- Tôi cho rằng, Cục QLCT đã chủ động trong việc hậu kiểm Cty Liên kết Việt và đã có cảnh báo từ sớm. Tuy nhiên, trách nhiệm phối hợp phải là chính quyền và các lực lượng chức năng ở địa phương. Không thể nói là sự việc xảy ra ở 27 tỉnh - thành phố, với số người tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp lên tới 60.000 người, mà không địa phương nào phát hiện, cảnh tỉnh người tham gia. Cục QLCT thực tế chỉ có vài trăm người, không có bộ máy theo ngạch dọc ở các địa phương, trong khi chính quyền địa phương có cả bộ máy từ công an, quản lý thị trường, các cơ quan chức năng, đoàn thể, nếu phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, phải có hình thức xử lý. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân chính quyền các cấp có biểu hiện buông lỏng, không giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, người tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp, cũng chính là nạn nhân không phải là người nghèo. Người ít nhất cũng góp vào đường dây vài triệu, trung bình khoảng vài trăm triệu, cá biệt có người góp tới 6 tỉ đồng, điều này ngay cả Cty Liên kết Việt cũng không lường được mức độ đông đảo của người tham gia. Ở đây, tôi cũng lưu ý là hoạt động bán hàng của Liên kết Việt là góp trực tiếp bằng tiền, chứ không phải mua sản phẩm, nên mức độ ảnh hưởng lớn là do người chơi đã bất chấp cả rủi ro vì ham mê lợi nhuận.

Nhưng rõ ràng việc kinh doanh đa cấp của Liên kết Việt không phải trường hợp duy nhất. Nhưng cơ quan chức năng vẫn làm ngơ cấp phép cho những Cty dạng này, thưa ông?

- Tới đây, Bộ Công Thương sẽ phải rà soát lại các “kẽ hở” của Nghị định 42. Nếu thấy cần phải siết lại quản lý, kể cả phải áp dụng các hàng rào kỹ thuật để loại bỏ các Cty kinh doanh đã cấp có dấu hiệu lừa đảo người tham gia thì phải áp dụng ngay. Trên thực tế, khi VN đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và phải thực hiện các cam kết hội nhập thì không được cấm hoạt động kinh doanh đa cấp, vì các nước họ cũng không cấm. Tuy nhiên, áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của VN thì còn nhiều rủi ro dẫn đến người tham gia vì hám lợi trước mặt sẽ gánh hậu quả, nên việc siết chặt quản lý là cần thiết.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.