Dân Việt - Có rất nhiều câu nói hớ hênh, phản cảm, thậm chí là trâng tráo, hoặc gây sốc được phát từ miệng những công bộc của nhân dân được ghi nhận hàng ngày.
Ông Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Nghệ An mấy hôm trước đã có một câu nói thuộc vào hàng “kinh điển” khi giải thích cho việc lắp đèn ưu tiên trái quy định cho cái xe công vụ của mình; “Mục đích là để các xe khác tránh cho an toàn, chứ ý thức của người dân ở đây rất kém!”.
Có rất nhiều câu nói hớ hênh, phản cảm, thậm chí là trâng tráo, hoặc gây sốc được phát từ miệng những công bộc của nhân dân được ghi nhận hàng ngày. Song, cá nhân tôi trân trọng câu nói trên. Nó đáng được coi là kinh điển bởi sự thật thà.
Tôi tin câu nói đó đã được ông Chủ tịch huyện thốt ra từ cái tâm hồn nhiên, chất phác của mình. Tôi tin trong thâm tâm, ông coi việc lắp cái đèn ưu tiên để an toàn trước tình trạng hỗn loạn giao thông là một điều tự nhiên, như luân thường đạo lý, như việc làm quan thì phải được… ưu tiên. Tôi tin đó phải là một tín điều thì ông mới có thể dùng nó để giải thích cho hành vi của mình, cho việc cái xe của ông khác với những cái xe khác nơi cái huyện miền núi này.
Có lẽ đến giờ, khi mà câu nói thật thà ấy bị bêu riếu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Chủ tịch thật thà ấy vẫn chỉ đang ngậm ngùi cho cái sự đen đủi của mình. Vẫn biết là việc lắp đèn ưu tiên như thế là sai quy định. Song cái sai ấy đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, tức là cái sự sai quy định đó chỉ áp dụng cho… người thường chứ không phải cho ông. Đáng trách, không phải việc ông dùng đèn ưu tiên, mà là việc người dân quê ông đã kém ý thức giao thông lại còn hay soi mói và phản ánh.
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng có những người vẫn được ưu tiên! Đó không phải chỉ là ý nghĩ của một mình ông Chủ tịch huyện Quế Phong. Đó phải là ý nghĩ của rất nhiều người trong chúng ta thì mới có những con đường “cong mềm mại” để tránh những ngôi nhà của ai đó, có những chính sách cộng điểm thi đại học, có những cuộc gọi điện cho người thân khi phạm luật giao thông, khi đi khám bệnh, khi đến cửa quan để chứng thực giấy tờ…
Sự ưu tiên, mong muốn được ưu tiên, thản nhiên hưởng sự ưu tiên đã trở thành thói quen, thậm chí là một lẽ sống được thừa nhận, chấp nhận trong xã hội của chúng ta từ rất lâu rồi. Chỉ rất quen thuộc với điều đó thì ông Chủ tịch huyện Quế Phong mới có thể hồn nhiên nói ra mồm như thế.
Sự ưu tiên đã quá quen thuộc nên việc lạm dụng sự ưu tiên chưa bao giờ bị coi là hành vi tội lỗi, cho dù về bản chất điều đó cũng đồng nghĩa với tội danh hình sự “lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.” Tội danh đó, theo quy định thì mức án tối thiểu là từ hai năm tù và bị buộc thôi chức.
Lạm dụng việc lắp đèn ưu tiên tức là chiếm đoạt tài sản của xã hội khi mà trong một năm sử dụng cái đèn ưu tiên ấy, bao nhiêu người đã phải nhường đường “oan” cho ông Chủ tịch, bao nhiêu tổn hại thời gian, xăng dầu của người khác để ông có được sự ưu tiên…
Bất cứ sự ưu tiên nào, về bản chất luôn sẵn mang màu sắc chiếm đoạt, bởi một người được ưu tiên thì sẽ có người khác phải thiệt thòi. Nhưng, tin tôi đi, sự trừng phạt dành cho hành vi lạm dụng đèn ưu tiên của ông Chủ tịch huyện Quế Phong sẽ chỉ là khiển trách mà thôi. Bởi ngay cả luật pháp cũng mặc nhiên không quy định việc “lạm dụng sự ưu tiên” vào bất cứ điều luật nào.
Việc xây dựng luật pháp của chúng ta, dường như cũng không quá xa lạ với những sự ưu tiên? Và ông Chủ tịch huyện Quế Phong đã hồn nhiên nói ra điều đó như một tín điều hình thành nên lẽ sống của ông.