Tôi đang coi cùng lúc 2 tiết mục: một tờ báo đăng Việt Nam có thể giải phẫu gắn đầu người, trong khi đó trên ti vi là cô ca sĩ đang gây sốc cho cộng đồng bằng những màn biểu diễn bắt mắt, lạ lùng, những bước nhảy tới hạn của khiêu gợi. Cô là ngôi sao, khỏi bàn cãi.
Tôi gọi điện chúc mừng, không như mong đợi, cô tiu nghỉu:
- Mừng gì mà mừng ông ơi, lúc thấy em lạ, em độc là lúc em đi qua bên kia đỉnh dốc và đang tuột xuống rồi. Khi ca sĩ không còn giữ được sự mến mộ bằng giọng hát thì mới giở chiêu này, trò nọ. Cái công chúng cần, mình đáp ứng được mới là chuyên nghiệp… Không phải tự nhiên mà ca sĩ bày trò kiếm xuyên qua người, tuyết rơi ngập chân đâu ông ơi, chẳng qua là điểm níu kéo khán giả khi họ bắt đầu rời xa mình…
Ngẫm lại cũng có lý, những ca sĩ có đời sống âm nhạc kéo dài hầu hết đều giữ chân khán giả bằng chính giọng hát và sự chuyên nghiệp, ít có chiêu trò. Ngẫm rộng thêm tí nữa còn nhiều cái lạ lùng về sự thiếu chuyên nghiệp.
Mới đây tôi bước vào cửa hàng sang trọng tìm mua sợi dây nịt, chẳng hiểu sao tất cả sợi dây nịt đều thật dài, phải vừa cắt vừa bấm lỗ. Người bán hàng lui cui dọn ra kềm búa đinh, con tán để đục lỗ, tôi can lại xin thôi vì mấy năm qua đã làm hỏng mấy sợi dây nịt bằng cách này. Những cái lỗ đóng tay sẽ rất xấu và làm sợi dây nịt nhanh chóng gãy ngang sau thời gian sử dụng. Được chỉ dẫn tôi mang dây nịt mới ra đường Đinh Công Tráng, tìm một tiệm bán đồ si đa để bấm lỗ. Người chủ vui tính giải thích, cái đồ bấm dây nịt thật ra chỉ bằng tiền nửa chỉ vàng nhưng anh phải sang Singapore mua mới có. Việt Nam cũng có thấy bán nhưng bấm lực xực, có lúc phải đền cho khách hàng vì làm hỏng dây nịt của họ.
Hóa ra một sản phẩm thông dụng như dây nịt mà cái đồ bấm lỗ mà không người Việt nào làm cho ra hồn cũng là sự lạ. Thuộc loại “Tin khó tin”!
Nói chuyện lạ, chuyện độc, “Tin khó tin”… mới nhớ xứ mình nhiều lắm. Nhỏ nhỏ như cái đinh cái vít, con ốc mà nền sản xuất công nghiệp cũng như tiêu dùng cực kỳ cần thiết thì Việt Nam không làm nổi nhưng cái chi có sự hoành tráng, vĩ đại thì mình làm tuốt. Này nhé cái bánh xèo to nhất thế giới, bánh tét dài nhất thế giới, tô hủ tíu to nhất thế giới…nhưng Việt Nam không phải là xứ sở của người khổng lồ nên không ai chén được cái sự “hoành tráng” ấy; kết quả là khi làm lễ, chụp hình, đăng báo xong là đem đổ xuống cống.
Quay lại câu chuyện tháo lắp đầu người, nếu ca giải phẫu thanh công thì đúng là kỳ tích y khoa. Nhưng để làm gì, có cấp bách như câu chuyện khủng hoảng vắc-xin mới xảy ra không? Tại sao chúng ta không tập trung vào những thứ mà con người cần, xã hội cần mà lại loay hoay với những màn “lên đồng” về thành tích như vậy?