Nay lại chuyện ông này khai man tuổi, mai lại chuyện ông kia xin làm lại giấy khai sinh xin rút tuổi đi. Tất cả chỉ nhằm mục đích được kéo dài thời gian công tác khi đã đến tuổi nghỉ hưu.
Tại sao đến tuổi nghỉ hưu rồi lại tìm cách ở lại? Mà ở lại được thì ắt có chuyện man trá! Vì thế mà khá nhiều quan chức đã bị tố giác khi khai man tuổi để tiếp tục công tác.
Mới đây nhất là trường hợp ông Đoàn Quốc Dũng (59 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Không có thành tích trong kháng chiến, ông Dũng tự khai man trong hồ sơ, nâng tuổi lớn hơn cả mẹ ruột 3 tuổi để nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Ông đã bị Công an Quảng Nam khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ việc này còn có ông Nguyễn Xuân Hiệp (55 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn) bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Khi ông Dũng là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, đã cấu kết với ông Hiệp là cán bộ chuyên trách thi đua khen thưởng thuộc Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn để gian lận, trục lợi. Ông Hiệp tự kê khai thành tích của người dân, thay đổi năm sinh nhằm gian lận tuổi, nhờ cán bộ kháng chiến thời trước ký tên chứng kiến, tự viết các giấy xác nhận thành tích của cả những người theo chế độ cũ.
Ông Dũng không kiểm tra, xác minh cũng không đưa ra hội đồng thi đua xét duyệt mà tự ý ký xác nhận vào các hồ sơ này. 47 hồ sơ bị khai man, gian lận tuổi, trong số này có 11 trường hợp tiếp tục làm hồ sơ hưởng chế độ “trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công cách mạng” với số tiền hơn 61 triệu đồng và 19 trường hợp làm hồ sơ hưởng chế độ “Hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở” với số tiền 640 triệu đồng. Ông Hiệp nhận tiền của nhiều người với lời hứa sẽ "chạy chế độ", "chạy việc"...
Ở Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Lê Khả Đoàn - Phó chánh thanh tra tỉnh, khi được cấp lại giấy khai sinh vào ngày 9-9-2011 (sinh ngày 28-5-1958), ông Đoàn xin điều chỉnh hộ khẩu, giấy CMND, bằng tốt nghiệp đại học... khác với đã khai trong lý lịch đảng viên nhưng không làm đơn gửi đến cấp ủy cơ sở để đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp giải quyết.
Ông Đoàn đã sử dụng các giấy tờ sinh ngày 30-6-1955 gần 37 năm, nay lại xin điều chỉnh giảm đi gần 3 tuổi trong thời điểm gần đến tuổi nghỉ hưu, gây dư luận không tốt trong nội bộ và ngoài xã hội, làm ảnh hưởng đến tổ chức và uy tín cá nhân.
Ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã khai điều chỉnh ngày tháng năm sinh từ 7-2-1954 sang ngày 7-2-1955. Điều đáng nói, ông Hoàng điều chỉnh năm sinh đúng thời điểm ông 59 tuổi, sắp về hưu theo chế độ.
Khi Thành ủy Hà Nội điều tra thì ông Hoàng cho biết, đã khai tăng tuổi để đi bộ đội khi ông mới 17 tuổi. Kể từ đó, lý lịch quân nhân của ông sinh năm 1954 cho đến nay. Và vụ việc ấy được ông Nguyễn Đăng Long, Phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội lý giải là vì "yêu nước"!
Trường hợp tương tự là ông Trịnh Anh Tuấn. Theo lý lịch Đảng viên, bằng đại học, bằng chính trị cao cấp thì ông Trịnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sinh năm 1952 và không được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ que hàn. Tuy nhiên, nhờ có xác nhận của Công an TP Hải Phòng, ông Tuấn nghiễm nhiên trẻ lại 2 tuổi và đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm lại.
Sau khi sự việc bại lộ, Công an TP Hải Phòng khẳng định: “Bản chất ông Tuấn là sử dụng văn bản hợp pháp của công an để làm nhiệm vụ cá nhân của mình. Ông ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu hình thức kỷ luật hành chính".
Nhiều cơ quan, đơn vị có hiện tượng nhập nhằng về tuổi tác mà hầu như chỉ có tuổi ít hơn tuổi thực chứ hiếm có người nhiều tuổi hơn so với năm tháng mình sinh ra. Có vấn đề khuất tất ở chỗ này. Bởi nếu bớt được tuổi thì ở lại thêm mấy năm. Mà đã ở lại thêm năm nào thì tranh thủ hưởng lộc và vơ vét thêm năm ấy. Đây là mục đích chính của họ.
Không ít trường hợp bị các bạn đồng nghiệp nghi vấn về tuổi tác nhưng do không ai tố giác nên để lọt. Cũng có trường hợp do thời chiến tranh, loạn lạc, địa phương chưa có điều kiện làm khai sinh hoặc gia đình sinh con nhưng đến khi cho con đi học mới làm giấy khai sinh nên ngày tháng năm sinh không chuẩn.
Nhưng đáng lên án nhất là những người khi đã là quan chức, có địa vị trong xã hội thì tìm cách làm lại lý lịch, có sự đồng lõa của cán bộ chính quyền địa phương nên khai rút tuổi đi. Những cán bộ này đã làm điều gian dối và lộ rõ là quan tham!
Nguồn: Năng lượng Mới