TT - Phản đối bất cứ một quyết định nào đó của chính quyền, của nhà trường cũng có thể dẫn tới việc phụ huynh cho con nghỉ học hàng loạt, không cần tính tới hậu quả. Câu chuyện này đã quá quen thuộc ở nhiều nơi.
Đáng buồn hơn, việc tước đi quyền học hành chính đáng của trẻ em đang được nhiều người dân cho là cách “đấu tranh” hiệu quả nhất.
Mấy năm trước đây, để đấu tranh chống lại chủ trương sáp nhập trường, nhiều người dân ở Đô Lương (Nghệ An) đã không ngần ngại cho con nghỉ học kéo dài từ năm học này tới năm sau khiến nhiều đứa trẻ 7-8 tuổi mà chưa một lần được đi học, không biết đọc, biết viết.
Ở Ninh Hiệp (Hà Nội) cũng từng có một cuộc “cấm trẻ đến trường” để phản đối di dời trường học.
Sự việc hơn 2.000 học sinh Ninh Hiệp không đến trường và có thể sẽ nghỉ học kéo dài trong những ngày này không phải là điều mới mẻ nữa, chỉ khác ở mục đích mà những người lớn đang hướng đến.
Suốt mấy ngày liền, xã Ninh Hiệp trở nên ồn ào khác thường. Rất nhiều đứa trẻ hồn nhiên chạy nhảy, vui đùa mà không hề biết những người lớn đã lợi dụng chúng để gây áp lực với chính quyền.
Cái đáng lo không phải vì bọn trẻ bị chậm học năm bảy ngày so với chương trình mà là việc chúng được làm quen với những ứng xử tiêu cực của người lớn, sẵn sàng bỏ học để yêu sách, coi chuyện học không phải điều mang lại lợi ích cho mình mà là “điều kiện” để mặc cả.
Chỉ là việc tạm nghỉ học, ai cũng nghĩ thế nhưng đôi khi vài ngày đó có thể làm thay đổi nhiều đứa trẻ khi bên ngoài nhà trường đang có quá nhiều cám dỗ. Những đứa trẻ với hiểu biết hạn chế, dễ bị lôi kéo, không có khả năng sàng lọc để bỏ qua những việc xấu.
Việc dân phản đối những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống là điều có thể chia sẻ. Nhưng có rất nhiều cách để thể hiện sự không đồng thuận, nhiều cách để đề đạt nguyện vọng, mong muốn với nhà chức trách.
Bắt trẻ em gánh chuyện của người lớn, tưởng như là cách làm dễ mang lại kết quả nhưng lại gây nên những hệ lụy đáng tiếc.
Trong chuyện này, cũng cần phải nói đến một nếp nghĩ rất cần phải thay đổi. Đó là việc cha mẹ lựa chọn, quyết định thay con những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của trẻ, cụ thể là quyền được đi học.
Tâm lý “sinh con ra thì muốn bắt nó làm gì thì làm” rất phổ biến ở nhiều người. Ở đây có thể thấy rõ những quy định pháp lý liên quan tới quyền trẻ em đang bị bỏ qua hoặc hiểu không thấu đáo.
Sự bất lực của các trường ở Ninh Hiệp trong việc vận động học sinh đi học là kết quả biết trước khi sự kiên quyết, cứng rắn của cả chính quyền và những người dân ở mức ngang nhau.
Ở Đô Lương, Nghệ An trước đây vì tương quan này mà hàng loạt học sinh không được đến trường suốt cả năm học. Người lớn không chịu nhau, trẻ con gánh trọn hậu quả.
Trong khi thực tế đã cho thấy, nếu lựa chọn cách đối thoại vì quyền lợi của con trẻ thì không bao giờ có chuyện đi vào ngõ cụt.
Nỗi bức xúc của các tiểu thương ở Ninh Hiệp và sự lúng túng, né tránh của chính quyền địa phương vì thế có thể đang lặp lại lối mòn của Đô Lương.
Lời tuyên bố sẽ cho trẻ nghỉ học mười ngày và có thể còn hơn thế của các tiểu thương thật sự rất đáng lo ngại, nếu như việc này đang trở thành tiền lệ.