Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Dân ta còn bị "đầu độc" dài dài

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Nếu như có chuyện “bắt tay trong bóng tối” và cứ “luộc lên là có thể ăn được” thì dân ta còn bị “đầu độc” dài dài!

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, hơn 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng như Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan, Ý, Úc, Đức… bị trả về. Đó là thông tin từ Cục thú y công bố tại Hội nghị tổng kết công tác thú y năm 2015.

Lý do bị từ chối chủ yếu vì nhiễm kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm (như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng…) thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); đóng gói sai quy cách, sai thông tin…

Đây là thông tin buồn, rất buồn nhưng không lạ bởi ở trong nước, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại còn tồi tệ hơn rất nhiều, đến mức “không ăn cũng chết mà ăn… cũng chết”.

Vì sao lại xảy ra chuyện này. Nguyên nhân thứ nhất, đó là ý thức của những người trực tiếp chăn nuôi, trồng trọt và cả các thương nhân.

Một số người nuôi lợn thì sử dụng salbutamol, một chất rất độc cho vào thức ăn để tạo nạc. Một số người trồng rau thì phun thuốc trừ sâu để diệt sâu và cũng để rau “non hơn, xanh hơn”…

Rồi sản xuất kẹo bánh thì cho chất cấm để chống ôi thiu. Làm giò chả, bánh cuốn, bánh phở thì cho hàn the để tạo độ giòn ngọt. Bán gà, cua cá thì bơm phoóc môn, một chất dùng ướp xác và kinh hoàng hơn, đã có tình trạng hòa thuốc diệt cỏ ngâm chuối để chín đều, vàng đẹp…

Lỗi của người dân là thế, song không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý lĩnh vực này. Hình như đã từ lâu, họ hoặc là làm ngơ, hoặc là bất lực trước và cũng hình như, biện pháp “hữu hiệu” nhất của họ hiện nay là công bố các con số và khuyên người tiêu dùng phải “thông minh”.

Không chỉ có thế, báo Dân Việt ngày 18/12 còn đăng tải một thông tin giật mình với một dòng tít còn… giật mình hơn: “Mâm cơm có độc và cái bắt tay trong bóng tối”. Theo bài báo: “Cho đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn khẳng định chỉ cấp phép cho nhập 3,5 tấn salbutamol. Song thông tin từ phía Tổng cục Hải quan cho biết chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2015 đã có 4,6 tấn salbutamol, cùng với 1,9 triệu bao tân dược có chứa salbutamol được nhập về. Con số chênh lệch khủng khiếp đó cho thấy công tác hậu kiểm lâu nay bị bỏ ngỏ hoàn toàn…". Bài báo đặt câu hỏi: “Con đường nào đưa chất độc salbutamol đến mâm cơm của chúng ta? Chắc chắn, chỉ lòng tham của những người nông dân nuôi heo thì không đủ. Những người nông dân có thể vì lợi nhuận, vì muốn tăng thêm chút thu nhập mà sử dụng hóa chất độc hại khi nuôi heo. Song những người nông dân không thể dễ dàng có trong tay thứ chất độc ấy”. Vâng, người nông dân dẫu có tham đến mấy thì cũng bó tay nếu như không có cái mà bài báo này gọi là “cái bắt tay trong bóng tối”.

Vậy ai đã “bắt tay” ai? Báo Dân Việt đặt câu hỏi và cho biết: “Salbutamol ở đâu ra? Bốn năm qua, đó là câu hỏi không lời đáp, và có lẽ người ta vẫn sẽ tù mù đổ lỗi cho lòng tham của những người nông dân nuôi heo nếu như không có một nỗ lực quả cảm của một thanh tra Bộ NNPTNT hôm 9.12. Ông này nói rằng "Phía Y tế cứ nhập về bán cho chăn nuôi".

Như vậy, câu trả lời đã rõ.

Trở lại với hơn 8.000 tấn hàng bị trả về, có lẽ không khỏi ngạc nhiên hơn khi cách đây hơn một tháng  (7/11), trả lời phóng viên báo Hải Quan, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT  đã nói một câu rất… trách nhiệm: “Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”.

Nếu như có chuyện “bắt tay trong bóng tối” và cứ “luộc lên là có thể ăn được” thì dân ta còn bị “đầu độc” dài dài!