NLĐO - Rất nhiều bạn đọc ngao ngán trước phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, cho rằng thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến họp “trông không được đẹp”.
“Việc họp hành quan trọng là chất lượng công việc được triển khai, chứ chăm chăm vào hình thức đi họp bằng xe gì thì khổ cho ngân sách rồi. Không biết từ bao giờ xe công đã trở thành vật trang điểm cho chức vụ của nhiều cán bộ” - bạn đọc Nguyễn Văn Long bày tỏ.
Đẹp kiểu thế ai cần!
Trong mắt người dân, một cán bộ “đẹp” là người có trách nhiệm với công việc được người dân giao phó. Họ làm tốt công việc vì sự ấm no của người khác, lao tâm khổ tứ để nâng mức sống của mọi người, không tư túi, không kênh kiệu và biết xót xa cho cuộc sống của nhiều người còn kham khổ... Chiếc xe chỉ là phương tiện để tạo điều kiện cho những cán bộ này làm tốt công việc hơn chứ không phải là vật chứng tỏ “đẳng cấp” của cán bộ. Bởi thế, từ xưa tới nay, từ các sử gia cho đến người dân chân lấm tay bùn luôn vì nể các vị quan thanh bạch, những cán bộ khiêm tốn, sống đơn giản.
Bạn đọc Trần Văn Hậu phân tích: “Tôi không đồng ý với ông Hiển. Cán bộ đi taxi, xe ôm đến họp có gì mà không đẹp, thậm chí quá đẹp là đằng khác. Họ biết chiếc xe chở họ đi họp là tiền tỉ, là bao mồ hôi của người dân đóng thuế mà thành. Tiền mua chiếc xe, trả lương cho tài xế, bảo dưỡng hằng năm... có thể tạo cơ hội cho bao người nghèo cải thiện được cuộc sống. Đi xe ôm cũng là cách thấu hiểu, chia sẻ với những người còn khó khăn”.
Thủ tướng Canada đi xe buýt họp quốc hội. Thị trưởng một số thành phố lớn của Châu Âu đi làm bằng tàu điện ngầm, xe đạp. Về chất lượng công việc họ làm thì không ai phải bàn cãi nữa. Ngay cả tỉ phú Bill Gate khi sang Việt Nam đến Từ Sơn, Bắc Ninh cũng đi chung đoàn bằng xe 16 chỗ đấy thôi. Ông ta thiếu xe gì? Nhưng cái chính là ông ta chọn cách làm đơn giản và hiệu quả.
“Đối với nhiều cán bộ của ta, từ cấp địa phương cho đến trung ương vẫn xem chiếc xe công mình đi là bộ mặt của công việc mình làm. Là thể diện để mình “trưng” ra với bàn dân thiên hạ. Có biết bao nhiêu là cán bộ nhà ở cách chỗ làm chỉ vài cây số nhưng luôn đi xe công xịn đến công sở. Ngoài giờ làm việc thì nghiễm nhiên xe này là xe riêng, có thể vợ con cùng sử dụng, đi chùa, đám cưới, thăm bà con, đi nhậu... Bởi thế mới có chuyện bí thư TP lớn được cấp xe Lexus giá 4 tỉ đồng để làm việc. Sau khi nghỉ hưu chẳng muốn trả, dư luận ồn ào lên án mới chịu rời chiếc xe này”- một bạn đọc dẫn chứng.
Chẳng qua là muốn hưởng thụ
Khó có thể biện hộ được cho việc sử dụng xe công tràn lan, không giảm được ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này. Hiệc cả nước có 40.000 xe công, đủ biết số tiền đầu tư vào đây lớn đến thế nào. Đó là chưa kể số tiền phải “nuôi” 40.000 xe này và một đội ngũ tài xế tương đương. Bao kỳ họp Quốc hội đặt vấn đề giảm xe công nhưng đến nay vẫn không có kết quả. Điều này chỉ có thể giải thích hoặc ta chưa quyết liệt giải quyết, hoặc đội ngũ cán bộ xài xe công quá “lậm” không muốn rời xe.
Một bạn đọc từng là cán bộ cấp tỉnh thẳng thắn: “Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, với nhiều người chiếc xe chính là một loại “phụ cấp” cho chức vụ mình đang làm. Ở một vị trí làm việc nào đó họ luôn đòi hỏi có xe tương đương và hiển nhiên nếu thuận lợi họ luôn đòi xe “xịn”. Với đa phần cán bộ bậc trung hiện nay, hầu như ai cũng đã có xe hơi riêng, nhưng thử hỏi mấy người sử dụng xe riêng đi làm? “Bệnh” sĩ hiện nay còn lớn lắm, tâm lý hưởng thụ của công còn nhiều lắm”.
Thật chạnh lòng khi chúng ta nhìn vào các công sở. Nhiều địa phương trụ sở hoành tráng xây dựng cả ngàn tỉ. Trong sân là lớp lớp ô tô biển số xanh đắt tiền. Nhưng cách công sở này chỉ vài bước chân, ta có thể thấy bao số phận người nghèo khổ. Có thể là một cụ bà tóc bạc trắng ngồi bên xe thuốc lá; một cậu bé tóc khét nắng đội nắng chang chang, chân trần bán vé số; một bà mẹ oằn vai dưới gánh ve chai... Họ an lòng với công việc cực nhọc. Và họ cũng không nghĩ xa đến chuyện những đồng tiền ít ỏi mà họ đóng thuế có khi chính là để mua những chiếc xe bóng loáng, đắt tiền đang đậu trong sân trụ sở tiền tỉ kia.
Khuất lấp trong máy lạnh xe hơi, trong cửa kính muôn màu, đôi khi nhiều người không thấy được những gì ngay sát xung quanh, không cảm nhận được nhịp đời sóng gió đang xô dạt bao người...