Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Bộ TN-MT lên tiếng bảo vệ Sơn Trà:Vẫn chưa hết phập phồng...

Châu An

Đất Việt - Phải buộc biển Tiên Sa tháo dỡ ngay 40 móng biệt thự đã xây dựng, hoàn thổ trả lại tự nhiên cho Sơn Trà.

Sau 4 tháng đã có niềm tin vào việc bảo vệ được Sơn Trà

Tại hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà, ngày 15/7, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN-MT) cho biết: " Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà là mục tiêu ưu tiên số 1. Chúng tôi đồng ý với ý kiến rằng phải xác định rõ mục tiêu, lấy mục tiêu nền tảng bảo tồn. Trên cơ sở đó phát triển bền vững, phát huy lợi thế về bảo tồn cho hoạt động phát triển du lịch”.

Đồng thời, đề nghị lập quy hoạch chi tiết khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để tổ chức quản lý theo quy định.

Trước khẳng định của lãnh đạo Bộ TN-MT, trao đổi với Đất Việt, ngày 16/7, KTS Hồ Duy Diệm - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải Biển VN, Nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng cho biết: "Từ khi phát hiện việc đào xới 40 móng biệt thự trên bán đảo Sơn Trà, đưa thông tin lên cơ quan truyền thông là ngày 15/3, đến nay là 15/7, 4 tháng các nhà khoa học, chuyên gia lên tiếng cũng được đông đảo dư luận nắm bắt.

Và cũng từ khi nhân dân thấy được việc xây dựng trên Sơn Trà xuất hiện, lúc đó cũng mới phát hiện ra còn có 22 miếng đất khác đã được phê duyệt để xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn và Đà Nẵng cũng đã tổ chức được 3 cuộc hội thảo về việc không nên làm mất Sơn Trà.

Đến nay, khi Bộ lên tiếng bảo vệ thì cũng coi là thắng lợi của nhân dân yêu Sơn Trà cũng như của nhân dân cả nước, tất cả đã tạo ra sự chuyển biến tư duy của những người lãnh đạo thành phố, nhờ những luận cứ khoa học, đánh giá được Sơn Trà quý giá về nhiều mặt, an ninh quốc phòng, sinh thái.

Như tôi đã từng phân tích, theo dự báo từ năm 2008 đã cho rằng Sơn Trà là rừng vàng, vàng có nghĩa là đẻ ra tiền, nếu chúng ta làm sáng tỏ những giá trị quý hiếm của Sơn Trà, khu sinh quyển thiên nhiên thì Sơn Trà sẽ tôn vinh Đà Nẵng và người ta sẽ biết đến Đà Nẵng vì Đà Nẵng có rừng Vạn tháo Sơn Trà.

Tại Hội thảo Khoa học về Sơn Trà lần này các nhà khoa học còn đưa ra những số liệu nghiên cứu mới hơn về đa dạng động thực vật, cây thuốc..Và nguy cơ xuống cấp về đất rừng cây rừng nguồn nước khô kiệt về nguy cơ an ninh quốc phòng, về sự hủy hoại rặng san hô

Để nói rằng sự đa dạng của Sơn Trà làm cho con người muốn bảo vệ Sơn Trà, không muốn xây dựng trên đó bất cứ công trình nào, chỉ muốn là rừng xanh để phát triển, tạo du lịch sinh thái.

Mặc dù, đến bây giờ chưa đến ngày thành phố đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, thì đến thời điểm này cũng thấy rằng chính phủ giải quyết như thế nào, chắc chắn là sẽ không cho xâm phạm Sơn Trà nữa, không cho đào đất phá rừng nữa, đó là cách bảo vệ và phát triển Sơn Trà toàn diện và tốt hơn.

Giải pháp khắc phục

Tổng kết hội nghị vừa qua, có đưa ra 11 giải pháp, nhưng theo KTS Hồ Duy Diệm, bây giờ, phải xử lý hậu quả của việc đất đỏ lở sụt trôi xuống biển làm ô nhiễm, hỏng san hô, Hội Bảo vệ Lưu vực và dải Biển Việt nam chi hội Miền Trung Tây nguyên đã đề xuất cho vận chuyển tất cả khối đất đá mới đào lên chuyển ngay đi nơi khác để san lấp mặt bằng, lấy sạch tới đất nguyên thổ trước mùa mưa chỗ nào có nguy cơ trụt là phải chuyển đi hết sau đó mới tính đến việc trồng cây cỏ và các biện pháp kỹ thuật khác.

Còn về mặt pháp lý, cần điều chỉnh để toàn bộ bán đảo Sơn Trà trở lại là một khu bảo tồn thiên nhiên như năm 1992, thu hồi lại quyết định quy hoạch đã công bố đầu năm 2017 trái với quy định pháp luật mà Hội thảo Khoa học đã bổ sung.

Trong đó, tiến hành phân khu chức năng cho khu bảo tồn thiên nhiên theo Luật bảo vệ và phát triển rừng, như khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái…Việc này sẽ giúp đảm bảo tính thống nhất và dễ dàng trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, bởi hiện nay diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ còn có 2.591 trên tổng số 4.439 hecta.

Trong giai đoạn này cần giữ nguyên hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà, không được tác động làm tổn thương thêm hệ sinh thái dưới bất kỳ dạng hoạt động nào.

Mặt khác, khi có quy định rồi thì buộc tháo dỡ ngay 40 móng biệt thự đã xây dựng, hoàn thổ trả lại tự nhiên cho Sơn Trà, không sẽ tiếp tục phá hủy môi trường biển. Bằng cách trồng cây bản địa xung quanh đường và các vị trí bị sạt lở, để phục hồi sinh cảnh sống, tạo thêm nguồn thức ăn cho động vật, tạo kết nối giao tán rừng giúp các loài động vật.

Về mô hình phát triển kinh tế bền vững, tổ chức hoạt động du lịch sinh thái bền vững tại bán đảo Sơn Trà, là mô hình các tour tuyến, các trạm dừng chân để quan sát động thực vật hoang dã, chứ không phải lưu trú.

Đồng thời, cần thành lập ngay cơ quan bảo vệ Rừng Quốc gia Sơn Trà, thống nhất, đủ mạnh có khả năng quản lý, bảo tồn và Phát triển bền vững như mô hình rừng Quốc gia Cát Tiên.

Tất cả sẽ làm cho Sơn Trà quý giá hơn, chính điều này sẽ đem lại sự tái tạo sức khỏe, sức lao động cho cư dân, làm cho thành phố phát triển bền vững, năng động mà vẫn giữ được Sơn Trà.