(PL)- Tòa huyện và tòa tỉnh mất 10 năm xử đi xử lại sáu lần, đến khi thi hành án mới phát hiện tòa huyện xử sai ngay từ đầu.
Năm 2006, bà Nguyễn Thị Rự khởi kiện đòi vợ chồng ông hàng xóm Đặng Hữu Điểu (cùng ngụ xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) trả đất. Theo trình bày của bà Rự, trước đó bà cho vợ ông Điểu mượn một phần đất để đào ao lấy nước (thuộc thửa 204) nhưng chỉ nói miệng với nhau. Ban đầu bà yêu cầu phía ông Điểu phải trả 600 m2 nhưng sau đó tăng lên hơn 1.000 m2 và hoa lợi, lợi tức trên đất.
Sáu bản án cho một tranh chấp
Phía ông Điểu thì cho rằng đất này nằm trong tổng diện tích 2.000 m2 đất mà ông đã chuyển nhượng hợp pháp từ người khác (có giấy tờ mua bán và xác nhận của chủ đất cũ). Năm 2001, ông đã được cấp giấy đỏ lô đất của mình. Chỉ có điều bản vẽ diện tích đất ông đang sử dụng trong giấy khác thực tế, có sự chồng lấn ranh với đất của bà Rự nên mới xảy ra tranh chấp. Hơn nữa, ranh giới tứ cận phần đất tranh chấp theo bà Rự xác định là không đúng thực tế, chồng lấn sang phần đất của ông mà ông đã xây nhà ở từ lâu.
Tháng 6-2007, TAND huyện Krông Ana (nay tách thành hai huyện là Krông Ana và Cư Kuin) xử sơ thẩm tuyên buộc ông Điểu phải trả hơn 1.000 m2 đất có một cái ao, giếng nước và một số cây trồng cho bà Rự. Ngược lại, bà Rự phải hoàn trả cho ông Điểu giá trị trên đất hơn 12 triệu đồng. Bản án này bị cả hai bên kháng cáo.
Ba tháng sau TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm tuyên hủy án để xét xử lại do cấp sơ thẩm chưa xác minh rõ nguồn gốc cũng như quá trình kê khai đất của các bên…
Cuối năm 2008, sau khi phân chia lại địa giới hành chính, TAND huyện Cư Kuin xử sơ thẩm lần hai tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Rự. Ông Điểu lại kháng cáo.
Tháng 4-2009, TAND tỉnh xử sơ thẩm lần hai lại tuyên hủy án để xử lại vì cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ còn nhiều thiếu sót. Trong đó, tòa tỉnh nói rõ là có nhiều vấn đề tòa huyện đã không thực hiện theo hướng dẫn của bản án phúc thẩm lần thứ nhất.
Cuối năm 2010, TAND huyện Cư Kuin xử sơ thẩm lần ba tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà Rự, buộc ông Điểu phải trả đất, bà Rự phải trả lại cho ông Điểu hơn 20 triệu đồng giá trị tài sản trên đất. Cả hai bên lại kháng cáo.
Tháng 9-2011, tòa tỉnh xử phúc thẩm lần ba, tuyên y án sơ thẩm. Ông Điểu làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vì cho rằng tòa án hai cấp đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, trong khi bà Rự yêu cầu thi hành án (THA).
Án tuyên không thể thi hành được
Cuối năm 2011, Chi cục THA dân sự huyện Cư Kuin kiến nghị chánh án TAND tỉnh kháng nghị giám đốc thẩm vì thực tế không THA được. Theo đó sau khi phối hợp với chính quyền kiểm tra lại hiện trạng phần đất thì phát hiện các tứ cận mảnh đất phải thi hành khác với tứ cận ghi trong bản án của tòa. Về tài sản trên đất thì tòa hai cấp xác định thiếu, cụ thể là còn một số tài sản khác như sân xi măng, trụ cổng nhà ông Điểu và 5 m3 đá hộc, tòa không quyết định xem là của ai.
Trên cơ sở kiến nghị của ông Điểu và THA huyện, TAND Tối cao có công văn yêu cầu tòa án và THA huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn đo đạc thực tế để xác định chính xác số đo các cạnh của phần đất tranh chấp.
Tháng 9-2013, TAND huyện có công văn báo cáo TAND Tối cao và thừa nhận kết quả đo vẽ của Trung tâm Kỹ thuật địa chính tỉnh vừa thực hiện khác với kết quả đo vẽ tại biên bản định giá năm 2010 mà tòa này đã dựa vào đó để xét xử.
Vì thế, tháng 8-2014 chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm (lần ba) để xét xử lại từ đầu. Theo kháng nghị, ngoài các lỗi nêu trên, tòa án hai cấp còn có nhiều thiếu sót như chưa thu thập hồ sơ cấp giấy đỏ của hai bên xem có đúng thực tế không; nguồn gốc đất của ông Điểu trước khi ông sử dụng…
Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm hủy án theo hướng mà kháng nghị đã vạch ra.
Tới đây, TAND huyện Cư Kuin sẽ xử sơ thẩm lần thứ tư, coi như quay lại từ đầu sau 10 năm xử đi xử lại.
***
Sẽ rút kinh nghiệm những sai sót trước đó
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán TAND huyện Cư Kuin (người thụ lý lại hồ sơ vụ án) cho biết rút kinh nghiệm những bản án trước, lần này TAND huyện sẽ xác minh kỹ những vấn đề quyết định giám đốc thẩm đã vạch ra. Cụ thể là xác định rõ nguồn gốc việc sử dụng đất của hai bên đương sự liên quan đến phần đất đang tranh chấp. Ngoài ra, tòa cũng sẽ xem xét lại kỹ ranh giới đất giữa hai nhà, xem việc cấp giấy đỏ có bị chồng lấn ranh như đương sự trình bày hay không. Hiện tòa đang nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm đưa vụ án ra xét xử vì vụ án đã kéo dài quá lâu và qua nhiều cấp xét xử…