VOA - Ông Christopher Abrams, thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ở Việt Nam, nói hôm 6/11 rằng dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng làm cho đất ở đó sạch hơn bất cứ nơi nào khác.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA, ông Abrams, Trưởng văn phòng Môi trường và Phát triển Xã hội, USAID ở Việt Nam, cũng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đến thăm dự án khi ông Trump đến Đà Nẵng hôm 10 và 11/11 để tham gia hội nghị cấp cao APEC.
VOA: Xin ông cho biết những kết quả chính của dự án tẩy độc là gì?
Ông Abrams: Một phần đất của sân bay Đà Nẵng bị ô nhiễm dioxin từ thời chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Năm 2012, chúng tôi bắt đầu dự án tẩy độc, với chi phí gần 105 triệu đôla. Chúng tôi làm việc với các đối tác tuyệt vời là Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật, chúng tôi xây một cấu trúc lớn, rộng xấp xỉ như một sân bóng đá, cao 2 tầng. Nó chứa được 45.000 mét khối đất. Người ta che chỗ đất đó lại, đưa vào đó nhiều thanh tỏa nhiệt. Người ta nung chỗ đất đó lên đến nhiệt độ 335 độ C, duy trì mức nhiệt đó trong ít nhất 3 tuần, và do đó dioxin bị tiêu hủy hoàn toàn.
Những vật chất khác thoát ra từ đống đất đó, có thể là nước, chất bay hơi, hay bất cứ chất lỏng nào sẽ đi qua hệ thống xử lý chất lỏng.
Mọi thứ đều được xử lý và xét nghiệm. Có những thiết bị theo dõi môi trường xung quanh khu vực dự án. Các công nhân cũng được xét nghiệm. Họ mặc đồ bảo hộ. Chúng tôi cũng xét nghiệm mọi khu vực bề mặt trên cùng của dự án và hệ thống xử lý chất hóa hơi để bảo đảm không có gì rò rỉ từ hệ thống.
Chúng tôi đã xử lý hai giai đoạn, mỗi giai đoạn là 45.000 mét khối, tổng cộng là hơn 90.000 mét khối đất đã được xử lý. Công nghệ này đã hoạt động rất tốt.
Khi thiết kế dự án với Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên-Môi trường, chúng tôi kết luận rằng bất cứ mức nồng độ nào dưới 150 ppt (phần nghìn tỉ) đều chấp nhận được đối với môi trường và sức khỏe con người.
Kết quả chúng tôi nhận được sau xử lý là thấp hơn thế rất nhiều. Sau giai đoạn 1, kết quả trung bình là 8,9 ppt. Kết quả giai đoạn 2 còn ấn tượng hơn, chưa đến 1 ppt.
Điều đó có nghĩa là đất sau khi được xử lý theo quy trình này còn sạch hơn hầu hết những gì bạn có thể tìm thấy ở Việt Nam, thậm chí là trên thế giới. Nó sạch hơn đất bạn có thể thấy ở Hà Nội, Tp. HCM, hay bất cứ nơi nào có dính dáng đến hoạt động công nghiệp. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi về kết quả đó.
VOA: Hồi tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh khi thăm Mỹ đã bày tỏ hy vọng sẽ có lễ công bố hoàn thành dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng trùng vào dịp Tổng thống Trump đến dự hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó sẽ diễn ra hay không?
Ông Abrams: Tổng thống sẽ nhìn thấy dự án, vì khu ga VIP mới ở ngay cạnh dự án mà chúng tôi cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hoàn thành. Đó là nơi đa số lãnh đạo APEC sẽ đi qua. Ít nhất tổng thống sẽ có dịp nhìn thấy thành quả tốt đẹp của chúng tôi.
Rất nhiều máy bay của họ sẽ đậu ở nơi từng là công trường thuộc dự án của chúng tôi, do đó, Tổng thống Trump chắc chắc sẽ “có mặt” ở đó.
Chúng tôi hy vọng sẽ có một buổi lễ với tổng thống khi ông rời đi. Ông đến chỉ trong vài ngày, nhưng đáng tiếc, vì lý do hậu cần và lịch làm việc, nên không sắp xếp được.
Ông cảm thấy việc đi đến Hà Nội để dự quốc yến là rất quan trọng. APEC là một diễn đàn đa phương. Song Tổng thống Trump cũng cảm thấy việc bảo đảm là ông thực hiện chuyến thăm song phương để gặp chính phủ Việt Nam cũng thực sự quan trọng, nếu xét đến tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhưng cố gắng thu xếp từng đấy việc trong một khoảng thời gian ngắn là rất khó khăn để tổng thống thực hiện. Vì vậy, tổng thống đã giao Thứ trưởng Ngoại giao Shannon đến thăm địa điểm dự án và thảo luận với chính phủ Việt Nam các bước tiếp theo trong tương lai.
Tôi nghĩ cả hai nước đều muốn tôn vinh thành công này vì nó thực sự là thành công chung của hai nước. Cả hai nước đều tự hào về điều này.
Chúng tôi muốn mọi người đều biết về những gì hai cựu thù đã đạt được, cũng như cách chúng tôi xây dựng tình hữu nghị trên nền tảng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, và những sự lạc quan và các tiềm năng dành cho quan hệ đối tác của chúng ta trong tương lai.
VOA: Việc Thứ trưởng Shannon thăm dự án gửi ra thông điệp gì?
Ông Abrams: Việc thăm dự án của Thứ trưởng Shannon là một chuyến thăm cấp cao, xem xét và đánh giá công việc của chúng tôi, hiểu về những gì chúng tôi làm, ghi nhận những nỗ lực chúng tôi đã đổ vào dự án và kết quả thành công chúng tôi đạt được. Và tiếp đến là thảo luận với chính phủ Việt Nam về dự án này và ý nghĩa của nó đối với mối quan hệ hai nước, về những tiềm năng, cơ hội để chúng ta làm việc cùng nhau trong tương lai.
Rõ ràng là chuyến thăm sẽ nêu bật thành công và kết quả của dự án, đó là loại bỏ dioxin khỏi môi trường, loại bỏ bất cứ nguy cơ nào đối với các cộng đồng xung quanh, tiêu hủy hoàn toàn dioxin. Như vậy, không còn có dioxin ở mức độ cao tại khu vực đó nữa.
Nhìn vào dự án, về cách vượt qua những điều nhạy cảm về Chất Da cam/dioxin nói chung, tôi nghĩ một yếu tố chủ chốt của dự án là trước khi hai bên làm việc cùng nhau ở sân bay Đà Nẵng, vấn đề dioxin bị coi là gần như không thể giải quyết được. Điều chúng ta chứng minh thông qua làm việc cùng nhau, đó là chúng ta có thể bắt tay làm việc, lập kế hoạch, xử lý các thành phần khác nhau, tìm công nghệ thích hợp, và thực sự giải quyết vấn đề.
Đây là một mốc quan trọng với cả Việt Nam và Mỹ. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, nhưng nó sẽ không tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nữa, chúng ta có thể giải quyết nó, và chúng ta đã làm được.
VOA: Xin cảm ơn ông!