Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Quỹ BHXH không đơn thuần là đóng và hưởng

Phan Thị Ngọc Thắng

(TBKTSG) - Người lao động không khỏi băn khoăn khi biết tin có người về hưu hưởng lương hưu hơn một trăm triệu đồng và có người hưởng lương hưu chỉ hơn một triệu đồng. Hai con số này đặt cạnh nhau không thể không gợi lên suy nghĩ có điều gì đó bất thường ở đây.

Có vẻ như người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo hơn. Nghe như bất công xã hội đang hiện hữu ở ngay đây. Việc đóng hay không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng lương hưu lại càng trở nên hoang mang hơn. 

Bản chất của BHXH

Điều 3 Luật BHXH quy định “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. Khái niệm này đã đề cập đến sự bảo hiểm rủi ro trong cuộc sống của người đóng BHXH, nó giúp cho người đóng BHXH yên tâm làm việc và dễ dàng hơn khi đối mặt với những lúc khó khăn vì được hưởng BHXH.

Thực ra quỹ BHXH còn có một ý nghĩa xã hội rất to lớn là chia sẻ rủi ro trong cộng đồng. Bởi vì khi đóng BHXH không phải là tất cả mọi người đều hưởng đúng với phần phí BHXH mà mình đóng. Có người suốt cả thời gian làm việc không dùng đến một đồng từ quỹ BHXH, có người lại dùng quỹ BHXH nhiều hơn rất nhiều so với số phí mà họ đóng. Điều này không do người lao động hay BHXH quyết định mà cuộc sống của mỗi người quyết định. Những người không phải hưởng BHXH là những người may mắn trong cuộc sống không bị ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, chết hoặc có đủ điều kiện dư giả để chi trả cho những dịch vụ tốt hơn chế độ BHXH.

Ngược lại, những người hưởng BHXH thì ít nhiều trong cuộc sống đã có những khó khăn riêng. BHXH là cầu nối trong việc sẻ chia trong cộng đồng giữa những người may mắn và những người ít may mắn, sẻ chia giữa lao động già và lao động trẻ. Người lao động thường quan tâm khi về hưu tôi được hưởng bao nhiêu tiền lương hưu mà ít khi nghĩ đến tôi đã hưởng hoặc chia sẻ bao nhiêu phần đóng góp của mình cho cộng đồng trong phần đóng phí BHXH của mình.

Quỹ BHXH còn là một công cụ để giảm gánh nặng an sinh xã hội cho Chính phủ khi dân số bị già hóa. Có thể người lao động cho rằng đó là trách nhiệm của Chính phủ. Thử hỏi rằng nếu như đến lúc dân số quá già mà những người này không có lương hưu thì xã hội sẽ như thế nào. Sẽ xảy ra nhiều vấn đề bất ổn và Chính phủ sẽ phải chi tiền để giải quyết những vấn đề này. Vì vậy việc đóng BHXH trong suốt thời gian còn sức lao động là tự giúp mình có một cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động mà không bị phụ thuộc vào con cháu, thế hệ trẻ và không là gánh nặng cho xã hội.

Việc người lao động không hiểu rõ bản chất và tính nhân văn của việc đóng quỹ BHXH là do chưa được tuyên truyền pháp luật một cách cội nguồn và cặn kẽ. Điều đó khiến cho số người tham gia BHXH không được mở rộng nhanh chóng như mong đợi.

Người lao động cũng cần được tuyên truyền để hiểu được rằng, đóng BHXH nhiều thì sẽ được hưởng lương hưu nhiều, đóng ít sẽ hưởng ít. Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian để hưởng lương hưu. Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Những quy định như vậy đã phần nào đem đến sự công bằng cho người đóng phí BHXH.

Người lao động tự mâu thuẫn và mất niềm tin

Trong lòng người lao động vẫn còn tồn tại một mâu thuẫn là khi đóng BHXH thì muốn đóng ít nhất có thể, còn khi hưởng lương hưu lại mong được hưởng mức cao nhất có thể. Điều này thật khó xảy ra trong cuộc sống.

Chính vì tâm lý muốn đóng BHXH ít nhất nên người lao động đã chấp nhận thỏa thuận ngầm với người sử dụng lao động để ghi một mức lương tượng trưng để đóng BHXH. Phần thu nhập còn lại được ghi nhận dưới hình thức khác thuộc đối tượng không đóng BHXH. Cách tính này là chủ ý của người sử dụng lao động. Một số người lao động đồng thuận với cách làm này của người sử dụng lao động vì thấy mình có được một phần lợi ích trước mắt trong đó. Một số người lao động không đồng thuận với cách làm này nhưng phải chấp nhận vì không có lựa chọn khác. Dù là thuộc đối tượng nào đi nữa thì người lao động cũng đã nhận về mình phần thiệt thòi. Bởi vì quỹ BHXH là do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng. Nếu người lao động giảm đóng bớt một phần thì người sử dụng lao động cũng bớt một phần, còn quỹ BHXH thì thất thu hai phần.

Một suy nghĩ khác là khi đi làm mỗi tháng lãnh lương không muốn bị trừ quỹ BHXH nhưng khi ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp lại chỉ mong được hưởng BHXH để bớt gánh nặng tài chính. Những lúc hoạn nạn chỉ ước là mình đã đóng BHXH nhiều hơn.

Nhưng nghiêm trọng nhất là người lao động không tin vào chế độ hưởng BHXH sau khi nghỉ hưu. Liệu quỹ BHXH có tồn tại và đủ chi trả lương hưu cho họ cho đến khi họ nghỉ hưu? Đó là câu hỏi thường được người lao động đặt ra khi nói về việc đóng và hưởng BHXH. Hai mươi, ba mươi năm sau thì quá dài để biết trước điều gì xảy ra khi mà thi thoảng họ lại bị “tấn công” bởi những cụm từ “mất trắng”, “vỡ quỹ” khi nhắc đến quỹ BHXH. Điều này càng thúc đẩy người lao động đồng thuận cùng người sử dụng lao động chỉ đóng BHXH một phần thu nhập của mình để… phòng thân và lỡ việc vỡ quỹ BHXH xảy ra thì đỡ… thất thu.

Những gút mắc trong lòng người lao động cần phải được giải quyết rốt ráo. Điều đầu tiên là người lao động cần được giải thích thật cặn kẽ việc đóng BHXH, các chế độ được hưởng BHXH. Cần nhấn mạnh thêm về tính hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro trong cộng đồng với người lao động để họ thoát ra khỏi suy nghĩ tôi đóng BHXH thì phải được hưởng bằng hết những gì đóng góp hay nếu không được hưởng lợi từ quỹ BHXH thì sẽ không đóng hoặc đóng ở mức thấp nhất có thể.

Điều quan trọng khác là người lao động cần biết được việc quản lý quỹ BHXH là hiệu quả, minh bạch, đảm bảo rằng người lao động khi nghỉ hưu chắc chắn sẽ được BHXH chi trả lương. Việc này cần một quá trình thể hiện của cơ quan BHXH chứ không chỉ ngày một ngày hai.