TTO - Vụ “đạo văn” hi hữu xảy ra tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ thành công lại sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ đã được bảo vệ trước đó của một người khác.
Điều đáng nói, thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ lại là người “từng trong hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ bị sao chép”.
Cụ thể, năm 2015, PSG.TS Đào Đức Doãn (hiện là bí thư Đảng ủy, trưởng Khoa Lý luận chính trị và giáo dục công dân Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) từng là thành viên hội đồng bảo vệ cơ sở và hội đồng bảo vệ chính thức luận án tiến sĩ của bà Bùi Thị Thanh Huyền.
Một thời gian ngắn sau, khi ở vai hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho ông Trần Văn Hải (công tác tại một trường CĐ tại Cần Thơ), ông Doãn lại không phát hiện luận văn thạc sĩ của ông Hải sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ đã được bà Huyền bảo vệ thành công trước dó.
Khi vụ việc được phát giác, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã lập hội đồng thẩm định, không công nhận văn bằng và thu hồi bằng thạc sĩ của ông Trần Văn Hải (đã được nhà trường cấp từ tháng 8-2015).
Ngày 13-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ra quyết định xử lý kỷ luật, buộc 5 người đã tham gia hội đồng bảo vệ luận văn của ông Hải năm 2015 dừng việc tham gia hội đồng đánh giá luận văn, luận án trong một năm.
Riêng ông Doãn bị dừng việc phân công hướng dẫn luận văn, luận án và tham gia hội đồng đánh giá luận văn, luận án trong một năm, kể từ ngày 1-7- 2017 đến 30-6-2018.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đây là vụ “đạo văn” đầu tiên được phát hiện tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
“Sau vụ việc này, trường cũng đã yêu cầu các cán bộ hướng dẫn phải rất sát sao với học viên của mình, đồng thời các thành viên hội đồng đánh giá luận văn cũng phải tập trung nhiều tâm sức, trí tuệ để hoàn thành công việc tốt nhất.
Riêng người học cũng phải thể hiện được trách nhiệm, lòng tự trọng của mình, chứng minh được khả năng, năng lực nghiên cứu của mình khi làm khoa học”- vị lãnh đạo nhà trường chia sẻ.
Đặc biệt, sau sự cố này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã mua phần mềm chống đạo văn.
Theo đó, với nguồn dữ liệu chung, khi phát hiện dấu hiệu sao chép, phần mềm sẽ đưa ra cảnh báo.
Hiện phần mềm này đã được triển khai kịp thời để 1.200 cán bộ, giảng viên của trường đều sử dụng được, hỗ trợ kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng đạo văn.