Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Điều gì sẽ xảy ra nếu vụ án liên quan tới Mường Thanh được khởi tố?

Thành An

(Dân Việt) Tuần này, nếu theo đúng lời Giám đốc Công an Hà Nội phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án về những sai phạm liên quan đến các dự án của Tập đoàn Mường Thanh, thuộc sở hữu của "đại gia" Lê Thanh Thản. Theo đánh giá của luật sư, nếu điều này xảy ra, vụ việc sẽ rất phức tạp và kéo dài, thiệt hại của khách hàng sẽ rất khó lường.

Nhằm giúp độc giả nắm rõ hơn những khía cạnh pháp lý trong vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Tuần trước trong phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết tuần này sẽ khởi tố vụ án xảy ra tại Mường Thanh có liên quan tới hàng loạt sai phạm trong trật tự xây dựng, quản lý nhà ở tại các dự án của tập đoàn này. Theo góc nhìn của luật sư, việc tuyên bố trước công luận sẽ khởi tố vụ án của lãnh đạo Công an Hà Nội có hợp lý?

- Tôi cũng theo dõi báo chí và biết, trong buổi làm việc tuần trước Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội cho biết cơ quan Công an Hà Nội và Bộ Công an đang tiến hành xác minh các sai phạm trong kinh doanh, xây dựng của tập đoàn Mường Thanh và khẳng định có đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo quy định tại Điều 270 BLHS và Tội trốn thuế...

Đây là nội dung trả lời chất vấn của ông Khương trong phiên họp của HĐND TP.Hà Nội. Vì vậy, việc trả lời chất vấn của ông Giám đốc Công an Hà Nội hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thứ nữa, đây là nhận định, đánh giá hồ sơ của Cơ quan điều tra khi họ báo cáo Giám đốc Công an Hà Nội về sự việc và Giám đốc Công an Hà Nội có trách nhiệm trả lời về sự việc này trước HĐND TP. Thông tin này cũng chỉ có tính chất chung chung, chưa rõ sẽ khởi tố vụ án hay khởi tố cá nhân ai, về hành vi gì... Do đó, Giám đốc Công an Hà Nội có thể công khai để cho cử tri, nhân dân yên tâm về hoạt động bảo vệ pháp luật của các cơ quan tố tụng. Việc công bố thông tin này không làm lộ bí mật điều tra.

Theo tôi, việc khởi tố vụ án gì, khởi tố cá nhân nào, về tội gì và trong thời gian nào thì phải chờ quyết định chính thức của Công an TP.Hà Nội hoặc quyết định của Bộ Công an.

Thưa luật sư, nếu khởi tố vụ án tại thời điểm này thì phải áp dụng Bộ Luật hình sự nào?

- Hiện nay, Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được Quốc hội thông qua nhưng đến ngày 1.1.2018 mới có hiệu lực pháp luật. Vì thế, việc giải quyết vụ án hình sự vẫn áp dụng theo các quy định của bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Tuy nhiên theo quy định của Nghị quyết số 109/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 144/2016/NQ-QH13 về lùi hiệu lực của Bộ luật hình sự thì các nội dung tiến bộ, có tính chất nhân đạo, có lợi cho bị can, bị cáo vẫn được áp dụng ngay mà không cần phải chờ tới khi Bộ luật có hiệu lực.

Nếu trong trường hợp Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can, liệu có trường hợp khởi tố pháp nhân Tập đoàn Mường Thanh hay không?

- Với các quy định pháp luật hiện hành, cơ quan điều tra sẽ chỉ khởi tố đối với cá nhân có sai phạm chứ không khởi tố pháp nhân (vì BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật). Cá nhân nào sai phạm đến đâu thì chịu trách nhiệm pháp lý đến đó. Có thể khởi tố về một hoặc nhiều tội danh khi hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Các đối tượng bị khởi tố sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là người chủ mưu, người thực hành hoặc người giúp sức, xúi giục. Mức hình phạt sẽ phụ thuộc vào vai trò của từng bị cáo, hành vi, hậu quả, tính chất mức độ của hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo diễn tiến trên, nếu khởi tố vụ án liên quan tới các sai phạm về xây dựng, quản lý nhà, trốn thuế... tại các dự án nhà ở của ông Lê Thanh Thản, những khách hàng - người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng ra sao, thưa luật sư?

- Những người mua nhà trong các dự án có sai phạm thường là những căn hộ xây không phép và những căn hộ bị chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng để biến thành nhà ở bán cho khách hàng.

Vì vậy, nếu dự án đó không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc cho phép điều chỉnh dự án thì căn hộ đó sẽ bị dỡ bỏ, bị khôi phục hiện trạng theo thiết kế ban đầu... Khi đó hợp đồng mua bán nhà không thể thực hiện được tức là hợp đồng vô hiệu.

Khi hợp đồng bị xác định là vô hiệu thì hậu quả sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015: Hợp đồng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi khi hợp đồng vô hiệu gây thiệt hại cho bên kia thì sẽ phải bồi thường.

Theo đó, bên khách hàng sẽ được nhận lại số tiền đã đóng góp và yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vụ việc sẽ rất phức tạp, kéo dài, thiệt hại của khách hàng là có thể thấy rõ và khó lường hết được nếu vụ án thực sự xảy ra.

Luật sư có thể tóm tắm về quá trình tố tụng một vụ án hình sự?

- Quy trình tố tụng sẽ diễn ra theo ba giai đoạn là: Khởi tố, điều tra - Truy tố và Xét xử. Giai đoạn này là khởi nguồn, là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Bước đầu, khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, cơ quan tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án để tiến hành hoạt động điều tra. Sau khởi tố, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra các vi phạm và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Việc khởi tố bị can là một phần của quá trình điều tra.

Kết thúc quá trình điều tra sẽ có kết luận điều tra; kết luận này được chuyển sang VKS nhân dân để cơ quan này xem xét và ra quyết định truy tố. TAND sẽ dựa vào quyết định truy tố, kết luận điều tra và dựa trên quá trình xét hỏi, tranh luận và diễn biến phiên toà để tiến hành xét xử và ra phán quyết.

Việc xét xử có thể kéo dài nhiều năm, do trong quá trình tố tụng sẽ có các giai đoạn gia hạn điều tra, điều tra bổ sung… Vụ án hình sự kết thúc khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan tiến hành tố tụng.

Xin cảm ơn luật sư!
***

Ngày 5.7.2017, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội tuyên bố: "Chúng tôi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của Thanh tra TP và đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra, làm rõ dấu hiệu trốn thuế tại các dự án của ông Lê Thanh Thản".

Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, nếu để cơ quan điều tra của Công an TP.Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can các vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố thì sang tuần sau sẽ làm. “Sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can. Còn Bộ quyết định để Cục C46 khởi tố chung vi phạm ở 21 địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu mà chúng tôi đã điều tra, xác minh cho Bộ giải quyết”, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết.

Được biết, đầu tháng 3.2017, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.Hà Nội và kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc xảy ra tại dự án Đại Thanh vì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, khu nhà ở Đại Thanh đang có bốn vi phạm hết sức nghiêm trọng. Thứ nhất là xây dựng không phép; thứ hai là xây quá chiều cao quy định; tiếp nữa là xây cả vào khu không được phép như các vị trí quy hoạch dải cây xanh; các tiêu chuẩn về PCCC cũng không đủ, dân cũng chưa cấp được sổ đỏ.

Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường trực Thành ủy đã thông qua việc “chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra của Công an Thành phố thụ lý, truy tố theo quy định của pháp luật, sai đến đâu xử đến đó.