MTG - Trong cuộc họp với Bộ VHTT-DL cùng với các lãnh đạo của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất chưa triển khai quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà trong 3 tháng tới.
Chiều 28.5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp để nghe các ý kiến từ Bộ VHTT-DL và UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo về việc tiếp thu các kiến nghị của Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng về bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, bản Quy hoạch được bắt đầu xây dựng từ tháng 5.2013, phê duyệt vào tháng 11.2016 và được chính thức công bố ngày 15.2.2017. Tuy nhiên, trước tháng 5.2013 đã có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong số đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn từ năm 2013 tới nay không cấp thêm dự án nào nữa.
"Có nghĩa tất cả dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản quy hoạch được lập. Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng. Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng" - Phó Thủ tướng cho hay. Tuy nhiên, ngay sau khi bản Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị, trong đó có việc giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của Hiệp hội, báo cáo cần có kiến nghị rất cụ thể.
"Trước khi lập quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, các dự án đã được chấp thuận là 5.000 phòng, tương đương là 10 phần thì bản quy hoạch giới hạn chỉ được 1.600 phòng, tức là 3 phần nhưng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị chưa tới một phần với khoảng 300 phòng”, Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch cũng như thành phố Đà Nẵng, trong quá trình trả lời kiến nghị, bên cạnh việc làm việc với Hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học thì cần lưu ý kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự. Hiệp hội kiến nghị giảm xuống còn một phần thì Đà Nẵng có chấp nhận không. Nếu không xuống một thì giảm xuống bao nhiêu, đương nhiên phải xuống dưới 3 phần như quy hoạch nêu. Nếu có đề nghị trên 1.600 phòng thì tôi không chấp nhận và Đà Nẵng cũng khẳng định không có đề nghị hơn vì đã đồng ý với quy hoạch rồi" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra chỉ đạo.
Bên cạnh đấy, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Đà Nẵng cần xem xét để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng là, có giữ nguyên trạng trên bán đảo Sơn Trà không? Trong 3 tháng tới, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học. "Trong 3 tháng đó, tôi đề nghị chưa triển khai quy hoạch này để việc tiếp thu ý kiến được khách quan... Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã khẳng định trong quá trình lập quy hoạch, Bộ đã phối hợp với Đà Nẵng ở tất cả các khâu từ lập đề cương, khảo sát thực địa, thu thập thông tin tài liệu để hình thành ý tưởng phát triển và dự thảo quy hoạch. Bộ cũng đã gửi dự thảo quy hoạch và nhận được ý kiến của 11 bộ ngành liên quan và TP Đà Nẵng. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất với dự thảo quy hoạch.
Chính Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định việc giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng rất khó khá thi và gần như không thực tế. Thành phố Đà Nẵng đã xác định vấn đề an ninh, quốc phòng đối với bán đảo Sơn Trà là rất quan trọng nên không có chuyện để cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đây.
"Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng luôn coi Sơn Trà là tài sản vô giá, là một trong những địa linh có môi trường thiên nhiên đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh. Mọi tác động lên thực thể bán đảo Sơn Trà đều phải được nghiên cứu trên cơ sở khoa học, đặc biệt chú trọng yếu tố nhân văn, đảm bảo tính công khai, dân chủ và cầu thị" - ông Tuấn cho hay.