LĐO - Đà Nẵng vốn hình thành từ những làng chài như Nam Ô, Nam Thọ, Hà Khê, Nại Hiên, Hải Châu… nhưng theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các làng chài đang bị xoá dần đến mất dấu tích. Quá trình đô thị hoá thần tốc thời gian gần đây, những làng chài cuối cùng đã phải nhường đất cho các dự án đô thị, du lịch...
Từng làng cổ bị đánh mất
Ông Phan Thống Nhất - Việt kiều Đức - nhờ tôi đưa về thăm làng cũ bên kia sông Hàn. Trong trí nhớ của ông, từ trung tâm thành phố, đi xe lam về bến cá Thuận Phước, từ đây phải qua 2 lần đò, thêm nửa giờ vùi chân trong cát để về làng biển Nam Thọ. Nhưng tên làng Nam Thọ giờ đã không còn trên bản đồ hành chính. Và tất nhiên, hành trình theo trí nhớ của ông đã không còn thực tiễn trên đất Đà Nẵng gần 20 năm nay. Từ bến cá Thuận Phước xưa, sang tận mép biển Thọ Quang - làng cũ Nam Thọ, tôi chỉ tốn 10 phút ôtô, vượt qua 2 cây cầu ở cuối sông đầu biển để đưa ông về thăm quê nội. Làng của ông Nhất bây giờ đã là khu đô thị mới ven theo đại lộ Hoàng Sa, nối tít tắp ra bán đảo Sơn Trà. Ở đấy, hàng chục dự án du lịch sang trọng đã đi vào khai thác. Số còn lại cũng đang xôn xao việc triển khai huy động vốn, bán nền, xây dựng hoặc bị phản ứng vì xâm hại môi trường…
Ông Nhất kể: “Bố tôi vốn người Đà Nẵng, tập kết ra Bắc sau năm 1954. Khát vọng lớn nhất của ông thuở đó là mong nước nhà không còn chiến tranh để còn được về với quê mẹ. Vì vậy, tôi có tên Thống Nhất dù khi tôi sinh ra đất nước vẫn còn chia cắt. Đó cũng vì lý do mà mỗi khi có dịp về nước là tôi đưa cả gia đình về miền Trung. Thú thật, điều kiện ở nhà mình giờ cũng không thua gì khách sạn 3-4 sao, cái tôi cần là đưa vợ con đi trải nghiệm, tìm hiểu đời sống, văn hoá, lịch sử ở vùng đất vốn là quê cha đất tổ của mình, cũng là để giáo dục con. Nhưng Đà Nẵng bây giờ nhiều chỗ nghỉ dưỡng hơn là để tham quan. Làng chài Nam Thọ giờ đây cũng chỉ là ký ức mờ xa qua lời kể của bố tôi”.
Quả thật, dấu tích làng chài còn lại là mỗi đình làng và miếu thờ cá ông còn lạc lõng giữa các resort sang trọng. Cảnh bến cá sầm uất bán buôn, dưới biển tàu bè vào ra tấp nập giờ không còn nữa. Thay vào đó là lèo tèo dăm ba cái thuyền thúng, lác đác những chiếc môtô nước, tàu dịch vụ du lịch. Làng chài Nam Thọ còn nổi danh là nơi đầu tiên sáng tạo ra thuyền nan của Đông Dương, nhưng điều đặc biệt đó giờ không mấy người bản địa còn biết đến.
Không chỉ Nam Thọ, Hải Châu, Hà Khê… đã mất dấu tích, mà làng chài cổ duy nhất là Nam Ô với nhiều trầm tích văn hóa, hiện cũng đang có nguy cơ bị xóa sổ khỏi Đà Nẵng trong nay mai. Làng Nam Ô gần phía nam chân đèo Hải Vân, nép mình bên mép biển, được một ghềnh đá che chắn ở phía biển bắc. Nam Ô vốn là làng cổ sầm uất của người Chăm. Bằng chứng là hàng chục di tích miếu mạo, đền thờ còn hiện diện. Đặc biệt là 4 trong tổng số 20 giếng vuông của người Chăm vẫn còn được người dân sử dụng. Không chỉ có vị trí đẹp, trước biển sau sông, và được che chắn bởi một bán đảo xanh ngắt cây rừng nguyên sinh, mà Nam Ô còn lưu giữ nhiều di tích vật thể lẫn những câu chuyện dân gian, huyền sử đậm dấu ấn con đường mở cõi của cha ông. Trong đó có lưu giữ đền thờ Huyền Trân Công chúa, mộ vị thuộc tướng của Trần Khắc Chung và câu chuyện bôn tẩu đầy nước mắt gian truân của Huyền Trân.
Chính sử chép rằng, Vua Trần Anh Tông gả em gái mình là Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Khi Chế Mân chết, Công chúa có nguy cơ bị hỏa táng theo tập tục người Chiêm. Vua Trần đã cử Thượng tướng Trần Khắc Chung dẫn quân vào giải cứu. Hành trình hồi cố hương là hơn 8 tháng và có nhiều chi tiết phi lý, hàm oan cho Công chúa. Riêng người dân Nam Ô thì câu chuyện chi tiết và thực tế hơn.
Chuyện truyền miệng ở Nam Ô kể rằng, Thượng tướng Trần Khắc Chung tổ chức đánh tháo thành công, đưa Công chúa về Đại Việt. Người Chiêm Thành rượt đuổi, đánh chặn khởi đi từ cửa Thị Nại ra tới Hải Vân. Đến làng Nam Ô thì gió mùa đông nam (gió nồm) đang mùa rộ biển. Bên kia Hải Vân hiểm trở là đất nhà nhưng chưa thể về quê, đoàn người dừng lại Nam Ô. Cuộc quyết chiến cuối cùng giữa quân Đại Việt và quân Chiêm diễn ra khốc liệt...
Cho đến khi Công chúa từ mom Lỗ Hạc (núi ghềnh Nam Ô ngày nay) xuống thuyền nhẹ ra đến thuyền lớn đợi ở ngoài khơi, giong thuyền theo gió thuận đưa về cố quốc an toàn thì cũng là lúc vị tướng quân thuộc hạ của Trần Khắc Chung chỉ huy và toán quân đánh chặn đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức. Người dân Chàm - Việt nơi đây đã chôn cất tử tế vị tướng dưới chân Tháp Chàm Trà Bì (tháp Chàm Xuân Dương), bên bờ nam cửa sông Cu Đê thời bấy giờ...
Những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại ấy như vẫn còn chảy trong huyết quản người dân miệt biển này. Nhưng, mọi chuyện trở nên nguy cấp khi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Trung Thủy đang tiến hành khởi công, giải tỏa làng Nam Ô. Công trình triển khai dồn dập vào dịp 30.4.2017. Khu du lịch có diện tích 36,5ha bao gồm 57 căn biệt thự hướng biển cao cấp, khách sạn 5 sao, khu hội nghị quốc tế và vui chơi giải trí... với số vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng, đang chiếm hết mặt biển làng Nam Ô.
“Lưu vong trên chính mảnh đất của mình”
Xót thương và lo lắng cho một làng quê cổ hơn 700 năm trước nguy cơ bị xóa sổ, trong nhiều năm nay ông Đặng Dùng - một con dân làng Nam Ô liên tục đi khảo cứu, sưu tầm, viết lại thật nhiều những câu chuyện dân gian, những di tích vật thể để mong lưu giữ tài sản quý giá bao đời trong những tập vở học trò của con ông.
Ông dắt tôi ra bờ biển, chỉ tay về phía trung tâm thành phố: “Anh thấy đấy, Đà Nẵng trong khói lửa chiến tranh hay bình yên để phát triển… tất cả đều trong tầm mắt của người dân Nam Ô. Vị trí ở đây sơn thủy hữu tình, lại có bề dày văn hóa nên dễ dàng lọt vào tầm ngắm của các dự án du lịch là điều khó tránh khỏi. Nhưng, làm khu nghỉ dưỡng thật nhiều mà xóa đi một làng quê như Nam Ô thì người dân và thành phố gánh phần thua thiệt nhiều hơn”.
Ông Dùng cho biết, trước đây, Nam Ô nổi tiếng với làng làm pháo, nước mắm, gỏi cá, rong... Mỗi ngày 400-500 ngư dân ra khơi vào lộng. Cuộc sống không dư giả nhưng chưa bao giờ thiếu đói. Nay giải tỏa rồi, người dân không biết sẽ mưu sinh cách nào khi không còn điều kiện bám biển.
Ông Phạm Tấn Xử - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.Đà Nẵng, nguyên Phó Bí thư quận Liên Chiểu - từng đề xuất giữ nguyên trạng làng Nam Ô để làm “đặc sản” du lịch. Song song với việc chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành phố cần tạo điều kiện cho địa phương khôi phục làng nghề truyền thống, tổ chức cho người dân làm dịch vụ… cách làm tương tự làng chài An Bằng, Hội An. Nhưng nay làng Nam Ô đã tan hoang…
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP.Hội An - chia sẻ: “Giữ được làng quê, nghề truyền thống, giữ được văn hóa thì mới có được sản phẩm du lịch riêng có, khác biệt. Hội An, nhờ giữ được làng chài, làng rau, làng gốm, làng mộc… thì người đánh cá, người trồng rau, cuốc ruộng, đến đứa trẻ chăn trâu cũng có thu nhập. Ngược lại du khách cũng được sự hấp dẫn bởi sự trải nghiệm thú vị, bổ ích. Đó cũng chính là hướng phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững. Làm khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì chỉ có nhà đầu tư hưởng lợi, người dân thì lưu vong trên chính mảnh đất của mình”.
Thống kê của ngành du lịch TP.Đà Nẵng, dịp 30.4 và 1.5.2017, có gần 320.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trên 100.000 khách lưu trú. Trong đó, có gần 100.000 du khách đến Đà Nẵng để xem lễ hội pháo hoa quốc tế. Con số này được cho là tăng gần 40% so với năm 2016. Nhưng du khách đến Đà Nẵng ngoài xem pháo hoa, tắm biển, thì gần như chẳng còn dịch vụ hấp dẫn nào để thụ hưởng.
Dù các tập đoàn kinh tế, chính quyền thành phố và cả ngành du lịch Đà Nẵng đã nỗ lực để tạo ra thật nhiều các sản phẩm du lịch giải trí mới, nhưng phần lớn các lễ hội ẩm thực, âm nhạc đường phố hay các khu vui chơi giải trí hiện đại không thật sự ấn tượng và khác biệt so với các thành phố biển khác. Muốn trải nghiệm, tìm hiểu đời sống sinh hoạt và nghề nghiệp của người dân bản địa thì chỉ còn tìm đường vào Hội An, làng chài Tam Thanh, Tam Kỳ - làng bích hoạ đầu tiên của Việt Nam, hoặc ngược lên tận dãy Trường Sơn, đến những bản làng Cơ Tu xa xôi.