TNO - Mỗi sớm, tôi thường bước bộ thong dong từ nhà đến tòa soạn, trên những vỉa hè, những con phố đông đúc huyên náo, để cảm nhận một Sài Gòn rất mềm mỏng.
Lâu nay, trong mắt những người tha phương và ngay cả tôi, Sài thành là nơi đáng sống, nơi tình người có thể trao nhau một cách giản đơn, nhẹ nhàng nhất.
Thế nhưng, sáng nay chứng kiến cảnh va chạm giữa hai xe máy giữa hai người phụ nữ tại góc chợ Vườn Chuối (đường Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) tự lom ngom ngồi dậy trước sự chứng kiến của bao người. “Thôi, mình né, đỡ dậy rồi làm ơn mắc oán, mang họa vào thân. Ông không thấy báo đưa tin mấy ngày nay à?”, lời hai người xe ôm vẳng bên tai tôi. Lòng chợt nghĩ, người ta đã nghi ngại, e dè vì sợ lòng tốt bị đe dọa.
Quay lại câu chuyện mà người xe ôm nhắc đến, không ít những phẫn nộ trước câu chuyện nam thanh niên chỉ vì cứu giúp cô gái bị tai nạn giao thông, nhưng bị người quen của nạn nhân đâm thủng phổi tại H.Thuận Thành, Bắc Ninh. Chưa kịp lắng, mới đây tại H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng, cô nhân viên y tế bị người nhà nạn nhân đấm tới tấp vào đầu và mặt vì…cấp cứu chậm. Hai câu chuyện, hai sự việc khác nhau nhưng cùng chung một mẫu số: “Lục Vân Tiên” giữa đời thường lại bị đánh trả, làm ơn mắc oán. Câu chuyện làm nhiều người băn khoăn.
Đọc tin nữ y tá bị đánh vì cấp cứu chậm, tôi chợt nhớ đến câu chuyện năm 2016 của một bác sĩ đăng Facebook những dòng tâm sự kể chuyện về một ca trực đêm và tiếp xúc bệnh nhân, khiến hàng triệu người phải suy nghĩ. Nếu nói một cách trọn vẹn, chuyện người nhà bệnh nhân “bức xúc” ở bệnh viện, không phải chuyện hi hữu, và có không nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do sự tắc trách của y tá, bác sĩ. Nhưng suy cho cùng, mấy ai hiểu và cảm thông cho những “blue trắng”, khi họ đang căng mình thực hiện trách nhiệm xã hội trên những lằn ranh của sự sống - cái chết. Tôi đồng cảm, và thương cô y tá.
Và trong khi không ít người vô cảm, thờ ơ chứng kiến cảnh người khác gặp nạn, thậm chí còn dửng dưng đứng xem người khác bị nạn để quay video clip rồi tung lên mạng xem như không phải chuyện của mình, thì hành động đẹp, đáng trân quý của anh thanh niên đưa cô gái đi cấp cứu lại nhận…cái kết đắng.
Họ là những con người có tinh thần sống thực sự, có trách nhiệm với xã hội. Họ cứu người như một bản năng, một phản xạ của những người sống có đạo đức, sống có tình người. Nhưng buồn thay một hành động nghĩa hiệp, nhân văn…lại bị ngược đãi. Và trong những hỗn độn xô bồ của cuộc sống này, tình nhân ái, những hành động đẹp làm sao có đất để gieo mầm, để nhân rộng cho một xã hội đẹp hơn? Lòng tốt sẽ bị đe dọa, hay không dám ban phát lòng tốt vì sợ bị nghi ngờ, bị vạ lây. Và như thế, mặc nhiên, người ta có nhã ý, có lòng cũng chẳng dám ra tay.