Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!

TÙNG SƠN

(GDVN) - Chuyện dạy sử và học sử còn nhiều vấn đề. Nhưng, để học sinh thích học sử thì chúng ta cần có bộ sách sử “có đầu có cuối” ngay từ cấp Tiểu học.

Đáng lẽ ra môn Lịch sử là môn học hấp dẫn với các diễn biến, các trận đánh cùng chiến công hiển hách trước kẻ thù xâm lược.

Càng học sinh bé càng cần dạy theo cách đó. Nhưng không, hiện nay dạy sử ở Tiểu học nặng nề vì sách giáo khoa Lịch sử đã hàn lâm lại thiếu tính hệ thống.

Tính hàn lâm của sách sử lớp 4 và lớp 5 thể hiện qua hàng loạt bài

Trang 32 sách Lịch sử lớp 4 các tác giả viết bài 10 “Chùa thời Lý”. Tại bài học này, học sinh phải tiếp thu tại sao thời Lý đạo Phật rất thịnh hành và chùa được xây dựng với quy mô lớn.

Tiếp đến trang 47 có bài 17 “Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước”. Bài này, học sinh phải hiểu bộ máy nhà nước đứng đầu là vua, giúp vua cai quản đất nước có các bộ, viện.

Để làm rõ hơn, sách viết “Tuy vua Lê Thái Tông đã chú ý đến việc định ra pháp luật, song phải đến đời vua Lê Thánh Tông, một bộ luật mới ra đời, có tên là bộ luật Hồng Đức…”

Tiếp theo bài 17 là bài 18 “Trường học thời Lê” cũng hàn lâm không kém…

Cứ lần giờ theo thứ tự, sách sử lớp 4 còn nhiều bài hàn lâm kém hấp dẫn như “Cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong”, “Thành thị ở thế kỉ XVI-XVII”, “Những chính sách về kinh tế của vua Quang Trung…

Sang lớp 5, tính hàn lâm của các bài học vẫn vậy. Chỉ có khoảng một nửa số bài là nói về các sự kiện lớn cần phải biết như “Mùa thu cách mạng”, “Điện Biên Phủ, pháo đài thực dân sụp đổ”, “Tiến vào Dinh Độc lập”,…

Còn lại đa phần là những bài học khô khan, học khó vào với trẻ 10 tuổi.

Chẳng hạn như “Nguyễn Trường Tộ mong muốn canh tân đất nước”, “Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX”, “Vượt qua tình thế hiểm nghèo”, “Xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình”,…

Những bài học này, với học sinh lớp 4, lớp 5, quả là “nghe đã thấy oải”..

Có những bài mà độ hàn lâm đáng kinh ngạc của sách sử lớp 4, lớp 5

Đó là các bài “Văn học và khoa học thời Hậu Lê” ở Lịch sử 4 và bài “Hậu phương những năm sau chiến dịch biên giới’ ở lớp 5.

Bài 19 trong sách sử lớp 4 “Văn học và khoa học thời Hậu Lê” quá nặng kiến thức hàn lâm.

Vì đứa bé 9 tuổi mà lại phải học để biết các tác phẩm, tác giả về văn học và khoa học thời Hậu Lê như:

“Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Mộng Tuân, thơ của Lý Tử Tấn, Nguyễn Húc, “Việt sử  kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, “Đại thành toán pháp” của Lương Thế Vinh,…

Khi dạy đến bài 18 này, giáo viên vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Nhiều thầy cô bảo: “Đến giáo viên còn chẳng hiểu huống chi học sinh dưới 10 tuổi”.

Còn bài “Hậu phương những năm sau chiến dịch biên giới” ở lớp 5 đã từng làm đau đầu nhiều giáo viên khi đi thi giáo viên giỏi.

Các cô nghĩ nát óc mà chưa có cách nào hay hơn cho học trò hiểu nội dung bài.

Đó là những nhiệm vụ cơ bản của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đó là sự lớn mạnh với dẫn chứng cụ thể về kinh tế, văn hoá, giáo dục giai đoạn sau 1950. Đó là nội dung Đại hội thi đua toàn quốc năm 1952,…
   
Những bài học khiến các em hãi sử!

Sách sử thiếu hệ thống do có những bài như… trên giời rơi xuống!

Bỗng dưng lại dạy “Chiến thắng Chi Lăng”!

Học lịch sử thì phải theo hệ thống. Sự kiện sau tiếp nối sự kiện trước. Có thế học sinh mới hiểu. Thế nhưng sách Lịch sử lớp 4 thật lạ, đùng cái học bài “Chiến thắng Chi Lăng”. 

Trước bài “Chiến thắng Chi Lăng” là bài “Nước ta cuối thời Trần”. Đáng lẽ phải dạy cho học sinh biết về việc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đã, thì mới có chiến thắng ở ải Chi Lăng.

Nhưng không, các nhà soạn sách cứ nghĩ học sinh như là mình vậy… Chỉ có vài dòng chữ nhỏ chú thích sơ lược thế là cứ dạy. Và bài “Chiến thắng Chi Lăng” như trên… giời rơi xuống.

Không được học việc giặc pháp xâm lược, lại học ngay “Bình Tây Đại nguyên soái”.

Bài “Bình Tây đại nguyên soái” kể về việc Trương Định quyết tâm ở lại cùng nhân dân đánh giặc Pháp tự nhiên đứng chình ình ở trang đầu sách Lịch sử lớp 5.

Học sinh cứ “vẹt” ra là ông Trương Định đang lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nào đó thì bị triều đình gọi về. Nhưng ông không trở về triều đình mà ở lại lãnh đạo nhân dân đánh Pháp.

Đáng lẽ ra, sách phải có một bài về việc giặc Pháp nổ súng xâm lược nước ta để học sinh hiểu bối cảnh nước nhà. Sau đó mới dạy đến khởi nghĩa Gò Công của Trương Định thì mới hợp lí.

Nhưng không, sách chỉ có vài dòng chữ nhỏ là dạy ngay đến Bình Tây Đại nguyên soái …

Chuyện dạy sử và học sử còn nhiều vấn đề. Nhưng, để học sinh thích học sử thì chúng ta cần có bộ sách sử “có đầu có cuối” ngay từ cấp Tiểu học.

Chứ dạy theo chương trình hiện nay như ở cấp Tiểu học, trẻ không hãi sử mới là điều lạ.