(TBKTSG) - Hơn 60.000 người tham gia mạng lưới đa cấp của Liên kết Việt, người nộp ít nhất là 8,6 triệu đồng, kẻ nộp nhiều lên tới hàng chục tỉ đồng. Tổng số tiền lên tới 1.900 tỉ đồng, nạn nhân rộng khắp ở 27 tỉnh, thành cả nước. Nhiều gia đình ly tán, không ít người lâm vào cảnh khốn cùng. Liên kết Việt là một cuộc khủng hoảng và cần được gọi đúng tên.
“Tôi nghe rất sốt ruột. Giờ 60.000 người dân bị lừa như vậy, trách nhiệm với người dân bị lừa của cơ quan quản lý như thế nào. Tự do kinh doanh không có nghĩa là không có quản lý. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại một hội nghị của Bộ Công Thương.
Còn với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động kinh doanh đa cấp, khi được báo chí truy hỏi: “Từ tháng 11-2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Liên kết Việt. Tại sao thời điểm đó cục không công khai kết quả điều tra, xử lý này cho người dân được biết? Nếu mà kết quả được công khai sớm thì có thể đã có rất nhiều người không rơi vào bẫy đa cấp?”, lãnh đạo cơ quan này “chỉ cười, tỏ rõ sự bối rối và không trả lời”.
Câu hỏi của Thủ tướng là cốt tử. Đâu rồi cơ quan cấp phép kinh doanh? Đâu rồi cơ quan quản lý chuyên ngành? Rồi lực lượng thanh tra, quản lý thị trường và chính quyền cơ sở?
Chẳng hạn, với cơ quan quản lý chuyên ngành, người ta sẽ đặt câu hỏi: “Vì sao cơ quan quản lý cạnh tranh lại không chú trọng vai trò đảm bảo cạnh tranh - yếu tố đang rất méo mó - trong nền kinh tế, mà lại đi quản lý kinh doanh đa cấp?”. Một khi không thực hiện đúng chức năng, vai trò của tổ chức, thì năng lực quản lý rõ ràng là có vấn đề.
Kinh doanh đa cấp là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải có giấy phép chuyên ngành. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn thành lập công ty phải đăng ký ở cơ quan đăng ký kinh doanh; sau đó phải có giấy phép chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Quản lý nhà nước hai cấp như vậy tưởng là chặt chẽ, nhưng thực tế qua trường hợp Liên kết Việt, và nhiều trường hợp tương tự khác lại là lỏng lẻo, khó quy được trách nhiệm.
Lâu nay, quản lý nhà nước chỉ thiên về tiền kiểm ở khâu cấp phép, tức là kiểm tra trên giấy tờ. Mọi người cứ nghĩ cấp phép xong là hoàn thành việc quản lý nhà nước. Song, cấp phép mà không theo dõi, giám sát, tức hậu kiểm thì những trường hợp như Liên kết Việt sẽ còn xảy ra, như đã xảy ra.
Không ít quốc gia đã thay đổi cách quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Họ giảm nhân sự, nguồn lực cho khâu cấp phép, chỉ đơn giản là yêu cầu doanh nghiệp khai báo là đã đủ điều kiện kinh doanh, để tăng cường cho khâu theo dõi, giám sát nhằm tránh rủi ro tiềm ẩn. Thông qua quá trình này ở khâu hậu kiểm các cơ quan nhà nước sẽ phát hiện ra những doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt pháp luật để từ đó hỗ trợ họ tuân thủ đúng pháp luật và ngăn chặn những hành vi sai trái. Lẽ ra, vụ Liên kết Việt đã tránh được nếu các cơ quan quản lý nhà nước chủ động theo tinh thần này.
Thực ra, những quy định hiện hành cũng đã có để tránh rủi ro như Liên kết Việt. Nghị định 96 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp đã yêu cầu các ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Nghị định này cũng yêu cầu các địa phương tổ chức bộ phận đầu mối chịu trách nhiệm quản lý hệ thống rủi ro, lập danh mục các rủi ro cần thiết phải theo dõi, giám sát; và cách thức trao đổi thông tin và đánh giá rủi ro.
Như vậy, quy định của pháp luật là đã tương đối rõ. Tiếc là đến nay chưa có tỉnh thành nào tổ chức thực hiện mô hình này. Nghị định này nêu rõ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của nghị định chịu trách nhiệm thi hành nghị định này. Văn bản pháp lý này có hiệu lực từ tháng 10-2015. Nếu được tuân thủ, ít ra hệ thống đó cũng giúp không ít người không bị sập bẫy của Liên kết Việt.
Lâu nay, quản lý nhà nước quá phân tán, không chia sẻ thông tin, ngành nào biết ngành ấy, địa phương nào biết địa phương ấy. Đã từng xảy ra trường hợp có người thành lập tới hơn 30 doanh nghiệp để lừa đảo. Một người mà thành lập rất nhiều doanh nghiệp là không bình thường về mặt thị trường; một người chưa bao giờ có lịch sử kinh doanh mà “đùng một cái” đăng ký doanh nghiệp có số vốn hàng ngàn tỉ; một doanh nghiệp mới thành lập như Liên kết Việt mà phát triển thị trường tới hàng chục ngàn người, với tỷ lệ lãi/vốn lớn đến mức khó tin thì rõ ràng là tiềm ẩn rủi ro. Nhà nước không thể không giám sát rủi ro đó.
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói: “Doanh nghiệp có lỗi là đương nhiên, nhưng tôi cho là nhà đầu tư, Nhà nước cũng có lỗi trong vụ này. Cá nhân tôi cho là 70% lỗi thuộc về nhà nước, 30% thuộc về người dân”.
Lỗi của người dân - những người bị đánh vào lòng tham - thì chính họ phải trả giá. Nhưng làm sao giải thích được cho những nạn nhân về kẻ lừa đảo như Lê Xuân Giang trong quân phục đại tá “dỏm” ngang nhiên xuất hiện trước bao nhiêu người, trong đó có nhiều cán bộ lại không bị phát hiện? Liệu người dân có lỗi khi đã tin Liên kết Việt được chống lưng bởi những đại diện từ các cơ quan nhà nước uy tín như vậy?
Những vụ lừa đảo hàng chục ngàn người như Liên kết Việt, những vụ xả thải ra môi trường như Vedan... lẽ ra có thể tránh được nếu Nhà nước thiết lập được một hệ thống dữ liệu quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Muộn với một trường hợp, nhưng không muộn với phần còn lại của cộng đồng. Và trách nhiệm đó không thể thuộc về người dân và càng không thể không quy được cho ai cả.