BizLIVE - Trong thời điểm chuyển giao quyền lực, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, sẽ nhận nhiệm vụ mới, ngành ngân hàng chờ người mới về nên chính sách tỷ giá chưa rõ ràng và người dân lại găm giữ ngoại tệ chờ USD tăng giá.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết tình trạng người dân có tiền USD đã không đổi cho ngân hàng mà giữ lại để chờ USD tăng giá. Mà thực trạng Việt Nam thì việc phải phá giá là cao vì tiền VND đang rất mạnh, nếu không phá giá thì doanh nghiệp sẽ chết.
"Hiện thị trường đang chờ sự chuyển đổi quyền lực, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ nhận nhiệm vụ mới và người khác sẽ lên nên chính sách tỷ giá chưa rõ ràng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người dân găm giữ ngoại tệ tăng lên”, ông Thành nhận định.
Ông Thành cho rằng, để ổn định tỷ giá, điều quan trọng là phải phát triển được thị trường mua bán USD mà ở đó doanh nghiệp mua được USD một cách thoải mái. Có như vậy thị trường ngoại hối mới ổn định được. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa xác định phương thức quản lý tỷ giá một cách rõ ràng, thị trường vẫn bị phụ thuộc vào một số ngân hàng cung cấp USD.
Thừa nhận có tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NSFC), cho biết năm 2015, huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, trong đó VND tăng 16,3% (năm 2014 là 19,3%); ngoại tệ tăng 14,3% (năm 2014 là 4,7%). Riêng tăng trưởng huy động ngoại tệ chỉ đột biến trong 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 - 12/2015).
"Nguyên nhân là do tháng 8/2015, Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh tỷ giá. Động thái này đã tác động tới tâm lý của người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng. Điều đó có nghĩa là người dân vẫn đang kỳ vọng từ tỷ giá", ông Phước phân tích.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng cần có những phân tích về việc mất cân đối giữa huy động vốn nội, ngoại tệ với cho vay hiện nay. “Gửi USD vào ngân hàng lãi suất 0% mà vẫn không làm cho người dân chuyển sang VND gửi chứng tỏ chính sách này vẫn chưa giúp huy động được hiệu quả các nguồn vốn”, ông Thúy bình luận.
Ông Thúy đặt vấn đề về việc Vietinbank vừa đi vay 200 triệu USD của 8 ngân hàng nước ngoài. “Trong bối cảnh này, tại sao ngân hàng Việt Nam lại phải vay ngoại tệ ở nước ngoài? Tại sao một ngân hàng lớn đã phải vay các ngân hàng Đài Loan 200 triệu USD. Lãi suất là bao nhiêu trong khi ở Việt Nam lãi suất USD bằng 0?”, ông Thúy đặt câu hỏi.
Ông Thúy thừa nhận sự khôn ngoan của doanh nghiệp vì họ không bao giờ dại dột đi vay lãi suất cao hơn bao giờ. “Thế nhưng họ vẫn phải đi vay nước ngoài 200 triệu USD trong khi ở Việt Nam, ngân hàng vay người có USD lãi suất là 0%. Cần suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này”, ông Thúy nhấn mạnh.
Lý giải hiện tượng này, ông Thúy cho rằng dù lãi suất huy động ngoại tệ chỉ bằng 0% nhưng vẫn không làm cho người dân chuyển ngoại tệ sang gửi tiền đồng vào ngân hàng.
“Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay. Điều này chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên, việc đưa lãi suất USD về 0 cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường", ông Thúy nêu nhận định.
Theo ông Thúy, nhu cầu tích trữ ngoại tệ của người dân có sự tác động từ Trung Quốc. “Hiện VND đang có chiều hướng lên giá. Vậy chiều hướng cả năm sẽ thế nào? Chúng ta liệu có chủ động có những điều chỉnh cần thiết để tạo khả năng cạnh tranh của Việt Nam, để không bị sốc trước nguy cơ hạ cánh cứng của Trung Quốc? Nguy cơ hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc đã xảy ra, phải nhìn nhận nghiêm túc vì Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam”, ông Thúy truy vấn.
Cùng quan điểm này, ông Phước cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đã tác động tới tâm lý người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng.
“Điều này có nghĩa người dân vẫn đang kỳ vọng rất nhiều từ tỷ giá. Việt Nam chống đô la hóa bằng cách triệt tiêu nguồn sinh lợi từ USD, nhưng thực tế người dân vẫn tập trung vào tích trữ USD nhiều hơn”, ông Phước bình luận.