LĐO - Nhiệm kỳ Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đảm nhiệm dường như quá khó khăn khi phải xử lý hàng loạt các vấn đề nóng gây bức xúc dư luận từ người tiền nhiệm – cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Mới đây dư luận ghi nhận nhiều động thái tích cực từ bộ này, lần đầu tiên được Bộ Công Thương triển khai như tái cơ cấu quy hoạch các cục, vụ, rút quyết định bổ nhiệm và đưa khỏi quy hoạch hàng loạt các chức danh lãnh đạo cấp cao, kiên quyết xử lý các dự án nghìn tỉ thua lỗ. Chiều ngày 30.12, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về các vấn đề dư luận quan tâm.
- Thưa Bộ trưởng, dư luận đã ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cải cách bộ máy, tái cơ cấu các đơn vị thuộc bộ. Tuy nhiên, đề án mới cũng bộc lộ những bất hợp lý như việc xóa Tổng cục Năng lượng hay nâng Cục Quản lý thị trường lên thành Tổng cục Quản lý thị trường. Dư luận cũng lo ngại, liệu có tái diễn tình trạng nhận “con ông cháu cha” vào làm ở bộ?
- Đề án tái cơ cấu và tiếp tục hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, kiện toàn vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công thương đã được bộ thực hiện nghiêm túc. Trước hết phải khẳng định vai trò cũng như ý thức chính trị rất cao của tập thể ban cán sự Đảng Bộ Công Thương. Đây cũng đúng vào thời điểm các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào cuộc giúp Bộ Công Thương nhìn rõ những khuyết điểm yếu kém cần khắc phục. Đợt sinh hoạt chính trị này thực sự đã được triển khai một cách kiên quyết, toàn diện, trên cơ sở nhận diện những điểm yếu, Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp khắc phục, đặc biệt là cải cách, hoàn thiện các quy phạm pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, trong đó, đặc biệt chú trọng yếu tố con người trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ. Các giải pháp đều được thực hiện dân chủ, công khai, thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm và nhất quán trong ban cán sự Đảng Bộ Công Thương . Về ý kiến lo ngại khi tiến hành tái cơ cấu, liệu có việc sắp xếp con ông cháu cha, người nhà vào các vị trí then chốt, tôi xin khẳng định, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, sẽ không có chỗ cho mối quan hệ cá nhân, phi pháp lý , vượt lên trên luật pháp. Không chỉ cá nhân tôi, mà các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương có thể có nhận được gợi ý, nhưng chúng tôi đều nhất quán khẳng định quan điểm rõ ràng của bộ. Liên quan đến dự thảo đề án Tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2017-2021, Bộ đã thực hiện rà soát, lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc trước khi đưa ra đề án. Việc cơ cấu lại Tổng cục Năng lượng hiện nay là xuất phát trên tinh thần cải cách hành chính, giảm đầu mối trung gian, tăng cường sự chi đạo thống nhất tập trung các vấn đề về năng lượng, trong đó bổ sung thành lập Vụ Năng lượng tái tạo nhằm phù hợp với xu thế phát triển của thế giới về sử dụng năng lượng sạch, NL tái tạo. Đối với việc nâng cấp Cục QLTT thành Tổng cục QLTT mục đích chủ yếu là để bảm bảo bộ máy QLTT ngành dọc được chỉ đạo tập trung từ trung ương đến địa phương.
- Vừa qua, dự án thép Cà Ná được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép và giao cho Tâp đoàn Hoa Sen lập dự án đầu tư, dư luận ch rằng có lợi ích nhóm, hy sinh lợi ích của xã hội, của môi trường, phát triển bền vững để đánh đổi lấy dự án, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẵn sàng từ chức nếu dự án thép Cà Ná để xảy ra những hệ lụy về môi trường?
- Quy hoạch ngành thép cũng như chủ trương đặt nhà máy thép ở Cà Ná đã được Bộ Công Thương xem xét một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện. Đồng thời thời gian qua, Bộ Công Thương hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo đề án. Về quan điểm phát triển, một đất nước 100 triệu dân, lại là nước đi sau, phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm thép từ bên ngoài gây ra những hệ lụy làm mất cân đối nghiêm trọng sản xuất trong nước, gia tăng nhập siêu. Sẽ là bất hợp lý nếu chúng ta không phát triển ngành công nghiệp thép. Quy hoạch ngành thép được lập là để xác định các khu vực có điều kiện để xây dựng các nhà máy thép, chứ chưa nói đến nhà máy sẽ sản xuất bằng công nghệ gì, lò cao hay lò điện, quy mô lớn hay nhỏ, công nghệ xử lý chất thải ra sao… Tất cả những vấn đề này khi lập báo cáo khả thi mới xem xét. Dự án thép Cà Ná được lập để thay thế dự án cũ đã bị loại đi và mới chỉ dừng ở việc cho nhà đầu tư khảo sát địa điểm lập dự án. Từ đó đến khi dự án được phê duyệt và triển khai là quá trình dài, qua nhiều bước, liên quan đến việc thẩm định của nhiều bộ ngành.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đang làm hết trách nhiệm, mới đây Bộ Công THương quyết định thuê tư vấn nước ngoài xây dựng dự thảo Quy hoạch ngành thép. Còn về câu trả lời của tôi với đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng rằng sẵn sàng từ chức nếu để xảy ra lợi ích nhóm, gây thảm họa cho môi trường, tôi xin nói rõ là không chỉ với cá nhân tôi, nếu gây ra những thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân thì một bộ trưởng Công Thương từ chức cũng không có ý nghĩa gì. Vấn đề là làm thế nào để đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, không vì lợi ích nhóm mà hy sinh cái tổng thể.
- Liên quan đến các dự án thua lỗ nghìn tỉ mà dư luận lên tiếng thời gian qua, xin bộ trưởng cho biết việc xử lý hậu quả các dự án tới đâu cũng như xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan?
- Đối với các dự án thu lỗ nghìn tỉ, Bộ Công Thương đã có báo cáo trước Quốc hội về 5 dự án, sau đó bổ sung thêm 2 dự án nữa. Và đến nay, qua quá trình rà soát, số dự án thua lỗ lên đến 12 dự án. Các dự án này xảy ra trong thời gian dài, trước đây, các khung khổ pháp lý triển khai dự án rất sơ sài, bộc lộ nhiều thiếu sót, sơ hở. Tôi lấy ví dụ, trước những năm 2008, thiết kế cơ sở giao trách nhiệm cho chủ đầu tư xây dựng, còn các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có trách nhiệm góp ý, chính vì vậy đã để xảy ra dự án Formosa. Bây giờ mới thấy thiết kế cơ sở là rất quan trọng, quyết định chất lượng của dự án, vì vậy cần làm rõ các tồn tại, bất cập để có giải pháp xử lý toàn diện. Mới Chính phủ đã thành lập tổ công tác xử lý hậu quả các dự án thua lỗ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban, lãnh đạo Bộ Công Thương là thành viên BCĐ. Đối với Bộ Công Thương, đây là bài học đau xót không chỉ là vấn đề đầu tư, xây dựng các dự án mà qua đây cũng là bài học về công tác sử dụng cán bộ. Bộ Công Thương đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong Ban cán sự đảng, lãnh đạo bộ, đến các đơn vị liên quan, đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2017-2018 phải xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, mang lại niềm tin trong nhân dân. Bộ Công Thương cũng kiểm điểm nghiêm khắc, rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế về quản lý tài sản công từ trung ương đến cơ sở, quản lý và bổ nhiệm cán bộ.
- Bộ trưởng cũng vừa có quyết định chưa có tiền lệ là rút quyết định bổ nhiệm hàng loat cán bộ sai quy định dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng cho biết quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này?
- Liên quan đến việc Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa rút các quyết định bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo bổ nhiệm sai quy định là thực hiện đúng kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương và phù hợp với quy định của pháp luật. Một số trường hợp có thể có những yếu tố cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp cụ thể bổ sung, tuy nhiên, Bộ sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để có sự vận dụng thỏa đáng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra trung ương.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.